An Giang chuyển hướng tư duy “kinh tế nông nghiệp”

24/02/2023 - 05:50

 - Trong định hướng nông nghiệp đến năm 2030, An Giang vẫn xác định nông nghiệp là nền tảng, là “lõi kinh tế” của tỉnh. Về lâu dài, An Giang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tuần hoàn, cảnh quan và có trách nhiệm trong mối liên kết chặt chẽ với các cụm ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ phụ trợ, du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Phát huy vai trò nông dân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành Quyết định 152/QĐ-UBND, về phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang”. Tiếp tục quan điểm nông nghiệp là nền tảng, là “lõi kinh tế” của tỉnh, An Giang định hướng phát triển nông nghiệp phải gắn chặt với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy khát vọng vươn lên làm giàu từ chính nội lực của nông dân, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển và tăng trưởng.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, nâng cao giá trị nông sản

An Giang xác định, nông dân là chủ thể quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp. Việc thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ là yếu tố then chốt để đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số nông nghiệp; hình thành văn hóa sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và lối sống xanh trong toàn ngành.

Ông Trần Anh Thư cho biết, trong định hướng phát triển, An Giang thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, thông qua phát huy nội lực của cộng đồng người dân, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Tỉnh từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường quốc tế, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo trách nhiệm minh bạch và chất lượng sản phẩm; phát triển chuỗi liên kết giá trị.

An Giang tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, tập trung 3 nhóm sản phẩm là gạo - nếp, thủy sản và cây ăn trái, gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, biết phát huy hiệu quả nội lực của chính mình và cộng đồng cùng liên kết, phát triển, có khả năng áp dụng khoa học - công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nâng cao giá trị sản xuất

Giai đoạn 2021 - 2025, An Giang duy trì tăng trưởng bình quân nông nghiệp ổn định 2,8%/năm (giá so sánh 2010) thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm (trồng trọt tăng bình quân 1,9%/năm, chăn nuôi tăng 3 - 4%, thủy sản tăng 5,9%, lâm nghiệp tăng 0,2%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đến 2025 chiếm 26% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Năm 2020, thu nhập bình quân của người dân nông thôn là 43 triệu đồng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập tăng gấp 1,5 lần (bình quân 64,5 triệu đồng/người/năm); giá trị sản phẩm đạt 242 triệu đồng/ha. Tỉnh phát triển vùng sản xuất chuyên canh, tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Phấn đấu đến năm 2025, vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái đạt 10.217ha; vùng chuyên canh canh rau màu, rau màu công nghệ cao đạt 6.062ha; vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao đạt khoảng 10.000 ha/năm; diện tích chuyên canh nuôi cá tra đạt khoảng 1.500ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết với DN từ 30% trở lên.

Đến năm 2025, nông nghiệp An Giang cơ bản phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế (GAP, hữu cơ…), cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng chủ lực. An Giang bước đầu triển khai thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp (xây dựng thí điểm 1 - 2 mô hình chuyển đổi số), như: Xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; xây dựng cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu chế biến, kinh doanh, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hợp tác xã nông nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn; xây dựng bản đồ số về hợp tác xã nông nghiệp, vùng trồng tập trung các sản phẩm chủ lực...

Định hướng đến năm 2030, tỉnh duy trì tăng trưởng nông nghiệp ổn định, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. An Giang tiếp tục là một trong những tỉnh trọng điểm của cả nước về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trên cơ sở tăng tỷ trọng của các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tiếp tục phát triển tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, An Giang phấn đấu đưa thu nhập và đời sống của nông dân đạt mức trung bình cao tại ĐBSCL.

Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn (đặc biệt là tiêu chuẩn hữu cơ), có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ lớn. Đến năm 2030, An Giang trở thành một trong những trung tâm về ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL.

An Giang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích đất lúa hợp lý, đẩy mạnh phát triển rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung, theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.

NGÔ CHUẨN