An Giang cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến bền vững

28/12/2023 - 06:15

 - Năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tăng 4,4%, vượt xa so chỉ tiêu đề ra (tăng từ 3,2 - 3,5%). Kết quả tăng trưởng này có sự đóng góp tích cực của việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp - một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Tăng cường chuyển đổi số

Trong nỗ lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang phối hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và Tổng Công ty Viettel Solutions thí điểm ứng dụng phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên lúa từ tháng 6/2021.

Kết quả, trên 200 nông dân xã Bình Hòa (huyện Châu Thành), Bình Mỹ, Bình Long, Bình Phú, Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú), cùng 50 cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông của 2 huyện tham gia. Gần đây, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giới thiệu giải pháp nền tảng giám định sinh vật gây hại cho cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, đã khảo sát vùng trồng xoài xã Bình Phước Xuân, sầu riêng xã Long Kiến (huyện Chợ Mới), vùng trồng sầu riêng xã Bình Chánh (huyện Châu Phú), vùng trồng lúa xã Thoại Giang (huyện Thoại Sơn) và xã Núi Tô (huyện Tri Tôn).

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thời gian qua, các cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp (DN) cùng nông dân tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, tạo chuyển biến rõ nét từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối, đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Điển hình như: Mô hình sản xuất lúa không dấu chân (sử dụng máy bay không người lái sạ lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật); điều khiển trang trại gia súc, gia cầm tự động trên điện thoại thông minh; giám sát, xử lý ao nuôi cá tra bằng cảm biến; nhà nuôi chim yến được quản lý bằng camera, phun sương làm mát điều khiển từ xa…

Nâng cao năng suất, chất lượng lúa

Thu hút đầu tư

Từ đầu năm đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đối với 6 dự án lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tổng vốn đầu tư đăng ký 223 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất - kinh doanh theo chuỗi liên kết sản xuất tại 4 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vào cuối năm 2022, tổng mức hỗ trợ gần 8 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.

Đến nay, đã bố trí vốn đầu tư cho dự án nâng cấp, cải tạo các trạm bơm HTX nông nghiệp Chợ Vàm (huyện Phú Tân), số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Triển khai Chương trình hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ dự án trồng chuối cấy mô công nghiệp xuất khẩu của Công ty Cổ phần XNK Xanh Việt (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn), số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Qua đó, hoàn tất hỗ trợ thủ tục đất đai cho 7 DN đầu tư dự án nông nghiệp (nhà máy xay xát lúa gạo, chế biến nông sản...). Ngoài ra, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đang hỗ trợ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung tỉnh An Giang”, do Sở NN&PTNT An Giang làm chủ đầu tư.

Dự án nhằm phục vụ đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất cá tra giống chất lượng tại tỉnh, cung cấp nhu cầu nuôi cá tra thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu trong tỉnh và các tỉnh nuôi cá tra vùng ĐBSCL, quy mô 350ha, gồm: 140ha tại xã Mỹ Phú và 210ha tại xã Bình Phú (huyện Châu Phú).

Phát triển chăn nuôi trang trại

Phát triển kinh tế tập thể

Để thực hiện thành công nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh quan tâm giải pháp tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 220 HTX nông nghiệp, với 13.120 thành viên; nâng chất 2 liên hiệp HTX, với 20 HTX thành viên; có 1.193 tổ hợp tác đang hoạt động, với 16.667 tổ viên. Trong đó, số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt trên 71%.

Đồng thời, 36 HTX ứng dụng công nghệ cao, 28 HTX ứng dụng chuyển đổi số, 6 HTX được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), 14 HTX có sản phẩm tiềm năng OCOP 3 sao. Đến nay, 88 HTX nông nghiệp và 2 liên hiệp HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ với gần 30 doanh nghiệp, tổng diện tích thực hiện cả năm 2023 đạt 58.682ha (52.109ha lúa, 6.470ha rau màu, 103ha cây ăn trái). Tỉnh đã hỗ trợ HTX trả lương cho 16 nhân sự trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại 16 HTX nông nghiệp, theo Nghị quyết 15/2022/NQ-HĐND, ngày 12/7/2022 của HĐND tỉnh.

Trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, An Giang hình thành được các vùng nguyên liệu sản xuất lúa tập trung, khép kín do HTX nông nghiệp quản lý, tổ chức sản xuất, tham gia cung ứng vật tư đầu vào, thực hiện dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và ký hợp đồng tiêu thụ với DN. Qua đó, tăng cường mối liên kết bền chặt giữa nông dân - HTX - DN, hướng đến tăng trưởng nông nghiệp bền vững.

NGÔ CHUẨN