An Giang đánh thức giá trị kinh tế xanh

13/10/2023 - 06:07

 - Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn không phải là điều gì đó xa vời; dù là nông dân, bạn trẻ khởi nghiệp, doanh nghiệp (DN) nhỏ hay tập đoàn lớn đều có thể tận dụng thành công. Trong bối cảnh mà cả thế giới đang hướng đến tăng trưởng xanh, nỗ lực giảm phát thải, “zero carbon”, nền nông nghiệp An Giang, cũng như vùng ĐBSCL đứng trước cơ hội đột phá mới.

Xanh từ ý tưởng khởi nghiệp

Xã Phú Hưng (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) có 98% diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để canh tác lúa, nếp, tạo ra lượng rơm rạ rất lớn. Nhận thấy phế phẩm nông nghiệp này là nguồn tài nguyên có giá trị, bạn Nguyễn Hoàng Ngọc Yến đã chọn khởi nghiệp với mô hình trồng nấm rơm trong nhà, tái sử dụng rơm để trồng dưa lưới, tạo thành mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Ngọc Yến đã xây dựng nhà trồng nấm với diện tích trên 100m2, được chia thành 3 nhà trồng nhỏ, kích thước trên 33m2/nhà, có hệ thống tự động điều khiển nhiệt độ và ẩm độ. Khi nhiệt độ bên trong nhà trồng tăng cao so với thông số cài đặt, hệ thống làm mát sẽ tự hoạt động kích hoạt, đến khi nhiệt độ giảm xuống bằng với thông số cài đặt thì hệ thống sẽ tự động ngắt. Nhà trồng nấm còn được trang bị đồng hồ hiển thị độ ẩm; hẹn giờ điều khiển quạt hút để trao đổi ô-xy và giải nhiệt bên trong nhà nấm…

 

Một trong những cách làm sáng tạo của Ngọc Yến là sử dụng tro phủ lên bề mặt mô nấm, giúp giữ ẩm. Ngoài ra, tro làm tăng khả năng đề kháng cho nấm, giảm tỷ lệ nấm chết non, kích thích tạo quả thể nhanh, nhiều và đồng đều. Từ đó, rút ngắn thời gian trồng xuống còn 20 - 22 ngày/vụ.

“Nấm rơm trồng theo phương pháp này cho tai nấm to, chất lượng đồng đều, màu sắc tươi và có thể bảo quản lâu hơn. Với 100m2, bình quân mỗi vụ thu hoạch trên 270kg nấm, giá bán trung bình 70.000 đồng/kg, gia đình thu về lợi nhuận hơn 11 triệu đồng/vụ” - Ngọc Yến chia sẻ.

Ngoài trồng nấm, cô gái trẻ còn tận dụng nguồn bã thải để phát triển mô hình trồng dưa lưới. Với nhà trồng dưa lưới 500m2, Ngọc Yến trồng từ 1.250 - 1.350 gốc dưa, mang về lợi nhuận trên 70 triệu đồng sau mỗi vụ canh tác.

 “Mô hình kinh tế tuần hoàn giúp tạo ra nhiều sản phẩm nhưng tiết kiệm chi phí nguyên liệu, xoay vòng vốn nhanh. Việc tận dụng rơm rạ thay vì đốt bỏ vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo thêm việc làm và sinh kế mới ở vùng nông thôn, có thể nhân rộng” - Ngọc Yến bày tỏ.

Là một thanh niên Khmer gắn bó với quê nhà, bạn Chau Kim Sêng (thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn) lựa chọn khởi nghiệp với mô hình aquaponics, kết hợp trồng rau thủy canh và nuôi cá. Đây là mô hình được chàng trai trẻ ấp ủ, dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu từ khi còn theo học ngành Khoa học cây trồng của Trường Đại học Cần Thơ.

Để bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tại gia đình, Chau Kim Sêng thiết kế khu vực trồng rau khoảng 250m2, với 270 ống nhựa trồng rau thủy canh, chủ yếu là xà lách, cải xanh, cải ngọt, rau má… Những loại rau này dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, được tiêu thụ mạnh tại địa phương. Bạn còn xây dựng 2 bể nuôi cá có thể tích 7m3/bể, thả nuôi cá lóc, cá trê, cá heo…

Chau Kim Sêng cho biết, aquaponics là mô hình tự động hóa kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh. Trong đó, nguồn nước nuôi cá được bơm trực tiếp qua hệ thống rau thủy canh. Tại đây, chất thải của cá là nguồn dinh dưỡng để cây hấp thụ. Nguồn nước sau khi chạy qua hệ thống thủy canh sẽ được lọc sạch, rồi cung cấp lại cho bể nuôi cá. Nhờ canh tác tự nhiên, sản phẩm rau sạch nên được người tiêu dùng đón nhận, giá bán cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với các loại rau cùng loại trên thị trường.

Trong khi đó, các bể nuôi cá cho thu hoạch trong 3 - 5 tháng/đợt, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định thường xuyên. Với nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ khởi nghiệp, Chau Kim Sêng sẽ mở rộng mô hình bài bản hơn, canh tác đa dạng nhiều loại rau thủy canh, nuôi thêm các loại cá có giá trị kinh tế cao để cung ứng các sản phẩm an toàn cho thị trường.

Giá trị năng lượng sạch

Là DN thủy sản hàng đầu ở vùng ĐBSCL, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) đang tận dụng triệt để giá trị từ năng lượng xanh. Công ty đã đầu tư dự án năng lượng mặt trời với 46 cụm solar, sử dụng năng lượng tái tạo để nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu.

Cụ thể, tại khu vực quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), Navico triển khai 17 cụm, khu vực Mỹ Quý (TP. Long Xuyên); 6 cụm, khu vực Tịnh Biên; 8 cụm, khu vực vùng nuôi và 15 cụm solar… Với tổng vốn đầu tư 482 tỷ đồng, tổng công suất phát điện đạt 53kwp, Navico đã chủ động được nguồn năng lượng xanh phục vụ sản xuất.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới cho biết, hưởng ứng chủ trương “xanh hóa” ngành thủy sản (đẩy mạnh nuôi trồng hơn là khai thác, đánh bắt tự nhiên), công ty đã xây dựng được nhiều vùng nuôi cá tra với diện tích gần 1.000ha mặt nước; xây dựng các vùng nuôi kiểu mẫu sử dụng năng lượng mặt trời, quy trình nước tuần hoàn (hạn chế xả thải ra môi trường), dùng dây chuyền tự động cho ăn...

Trong đó, vùng nuôi cá tra công nghệ cao Bình Phú (xã Bình Phú, huyện Châu Phú) rộng 600ha đang thực hiện quy trình nuôi “xanh hóa”, tiêm vaccine Panga2 phòng bệnh cho cá giống, hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính. Nam Việt cùng với Bách Hóa Xanh ký thỏa thuận hợp tác theo định hướng ESG (Environmental, Social and Governance), dựa trên 3 trụ cột phát triển bền vững là môi trường, xã hội và quản trị.

Việc xây dựng vùng nuôi kiểu mẫu giúp Nam Việt chủ động được nguồn nguyên liệu cá tra hàng năm trên 200.000 tấn; khép kín quy trình sản xuất từ con giống, nuôi thịt đến thức ăn và chế biến, xuất khẩu thủy sản. “Sử dụng năng lượng xanh, tái tạo giúp DN tiết kiệm chi phí tiền điện, chung tay bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết” - ông Doãn Tới nhấn mạnh.

Với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, việc theo đuổi mô hình sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform) mang lại cho DN nhiều lợi ích. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu lúa gạo thế giới (IRRI), Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt số điểm SRP 100 và đạt 4 năm liên tiếp.

Theo Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận, với các giải pháp về quản lý nước, phân bón và rơm rạ sau thu hoạch đúng cách, mô hình SRP giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính trong quy trình canh tác lúa. Lộc Trời đã trình dự án về xác lập tín chỉ carbon lên hệ thống đánh giá và thẩm định của The Gold Standard. Sau khi được công nhận, đây sẽ là “hồ sơ xanh” cho mảng xuất khẩu gạo sang thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ, giúp tăng tính cạnh tranh của DN khi luật về “Thuế carbon” có hiệu lực vào năm 2025 ở các quốc gia này.

PGS.TS Dương Văn Chín (nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL) cho rằng, giảm phát thải khí nhà kính là đòi hỏi sống còn của thời đại và là chương trình hành động mang tính toàn cầu, phù hợp với cam kết xanh hóa nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Bản chất sản xuất lúa truyền thống làm phát sinh nhiều khí nhà kính. Để giảm phát thải, cần sử dụng giống xác nhận, giảm giống, giảm phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, kết hợp tưới nước ướt - khô xen kẽ, không đốt rơm rạ.

“41 tiêu chuẩn của Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế SRP đáp ứng yêu cầu này. Mỗi tiêu chuẩn có thang điểm từ 1 - 3, đủ 90 điểm là đạt tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, nhưng nếu đốt rơm rạ sẽ bị điểm liệt (không đạt chuẩn). Khi được cấp chứng nhận SRP, DN có thể in lên bao bì sản phẩm như một minh chứng, tạo lợi thế trong xu hướng tiêu dùng xanh” - chuyên gia này khẳng định.

Hưởng lợi tín chỉ carbon

Cùng với tiêu chuẩn SRP, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ triển khai tại các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang và TP. Cần Thơ cũng hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Ông Cao Thăng Bình (chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam) cho biết, dự án VnSAT giúp cắt giảm được 1,5 triệu tấn CO2, tương đương 10 - 20 triệu USD/năm. Nếu áp dụng đối với Đề án 1 triệu ha chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL, từ nay đến năm 2024, WB sẽ huy động khoảng 40 triệu USD từ Quỹ Tài chính khí hậu, tiếp tục chi trả CO2 thêm 60 triệu USD vào các năm 2025, 2026. “Chúng tôi hy vọng sau 100 triệu USD không hoàn lại này, sẽ tiếp tục tài trợ 300 - 400 triệu USD nữa để thực hiện hết phần còn lại nhằm đạt 1 triệu ha. Bán tín chỉ carbon sẽ giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập, hướng đến sản xuất xanh” - ông Bình đánh giá.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, toàn tỉnh đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Tỉnh vận động nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tăng trưởng xanh gắn với giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với Đề án 1 triệu ha lúa của Bộ NN&PTNT, An Giang đã đăng ký thực hiện tham gia 150.000ha từ nay đến năm 2030. Đây là cơ hội tăng hiệu quả kinh tế và sinh kế cho người sản xuất lúa, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, hình thành và phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi lúa gạo, giảm CO2 trong sản xuất lúa, chi trả tín chỉ carbon cho người sản xuất.

Trên lĩnh vực thủy sản, tỉnh đang nỗ lực quy hoạch ngành thủy sản theo hướng phát triển xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Trong đó, cá tra được xác định là ngành hàng chủ lực, có vị trí quan trọng, từng bước được nâng cao chất lượng, thực hiện chủ trương “xanh hóa” ngành thủy sản để đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU)...

Hàng năm, sản lượng cá tra nuôi của An Giang đạt từ 450.000 - 550.000 tấn/năm, phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu với kim ngạch khoảng 300 triệu USD. An Giang còn là trung tâm cung ứng giống thủy sản với năng lực từ 1,5 - 2 tỷ có bột, 2 - 3 tỷ con giống, đáp ứng nhu cầu thả nuôi cho toàn vùng ĐBSCL.

“An Giang sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất và cung ứng con giống cá tra chất lượng cao (có bảo hộ bằng vaccine trong suốt chu kỳ nuôi thương phẩm) cho các DN thủy sản khu vực ĐBSCL, như: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần IDI, Công ty Cổ phần Greenfeed. Trước khi xuất bán, tất cả con giống đều được tiêm vaccine Panga2, giúp bảo vệ cá chống lại bệnh gan, thận, mủ, xuất huyết do vi khuẩn gây ra, phù hợp yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN - MINH HIỂN - ĐỨC TOÀN