An Giang đẩy mạnh cải cách hành chính

21/07/2022 - 07:52

 - 6 tháng đầu năm 2022, công tác cải cách hành chính (CCHC) của An Giang được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Sự quyết tâm, triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã cụ thể hóa các kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2030 và năm 2022 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC, thực hiện hoàn thành 30/80 nhiệm vụ CCHC năm 2022.

Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang Ngô Hồng Yến, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh ngày càng được nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trọng tâm phục vụ. Chất lượng dịch vụ công, kể cả trực tiếp và trực tuyến từng bước đi vào nền nếp và thông suốt, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng thời gian.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN giải quyết TTHC, thu hút đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được chuẩn hóa. Tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú về các hoạt động CCHC của tỉnh, quy định, chính sách, pháp luật mới ban hành. Công tác kiểm tra CCHC được các cơ quan, đơn vị quan tâm.

Kết quả PCI An Giang năm 2021 đạt hạng 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so năm 2020. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), tỉnh thuộc nhóm “trung bình thấp”, xếp hạng 32, giảm 18 bậc so năm 2020; Chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố, giảm 21 hạng so năm 2020. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS) năm 2021 của tỉnh đạt 86,14%, xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so năm 2020. Nhiều mô hình CCHC hiệu quả, như: Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Châu Đốc, năm 2021 đã tiếp nhận, giải quyết TTHC gần 8.400 hồ sơ, với 99% hồ sơ xử lý đúng và trước hạn; hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 75%; tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích trên 6.800 hồ sơ các loại. Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Châu Phú đã tiếp nhận trên 17.000 hồ sơ đăng ký, giải quyết TTHC, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn rất cao trên 99% và được người dân đồng tình, đánh giá cao.

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Sơ kết hoạt động của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh 6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình CCHC. Khẩn trương chỉ đạo khắc phục những hạn chế, tồn tại dẫn đến mất điểm các tiêu chí của Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 của tỉnh. Lấy kết quả CCHC hàng năm là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Quan tâm lựa chọn công chức có năng lực, uy tín, có tinh thần trách nhiệm cao, có thái độ giao tiếp ứng xử tốt để bố trí công chức trực tiếp làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp. Đồng thời, xem xét cân nhắc, đề bạt, bổ nhiệm đối với các đồng chí này. Đây là động lực để công chức được phân công trực tiếp làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công của tỉnh. Sáp nhập các đoàn kiểm tra CCHC, kiểm soát TTHC, kiểm tra ISO, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… thành 1 đoàn để hạn chế tình trạng nhiều đoàn kiểm tra.

Trước dư luận xã hội phản ánh rất nhiều về tình trạng chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện TTHC lĩnh vực đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan (đặc biệt là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Chủ tịch UBND cấp huyện thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, nắm dư luận xã hội, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý cán bộ, công chức vi phạm. Giao Sở Nội vụ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, nâng cao chất lượng cải cách chế độ công vụ.

Cùng với đó, thường xuyên đổi mới tư duy trong công tác chỉ đạo, điều hành, giữ vững đoàn kết nội bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Nghiên cứu, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp, sáng kiến, mô hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả Chỉ số CCHC của tỉnh.

Tích cực nghiên cứu, tìm kiếm và áp dụng, nhân rộng các mô hình, sáng kiến trong CCHC; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình làm tốt CCHC. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền CCHC, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận của xã hội về thực hiện CCHC tại cơ quan, địa phương. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với thành viên ban chỉ đạo thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, đề án, dự án trong chương trình CCHC tỉnh… góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và CCHC của tỉnh.

HẠNH CHÂU