An Giang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

05/06/2024 - 06:33

 - Ngành nông nghiệp An Giang đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng và phát triển bền vững trước thách thức từ biến đổi khí hậu. Qua đó, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều khó khăn

Thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo sở, ngành và địa phương nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập ổn định cho nông dân.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ lúa sang các loại cây trồng khác còn góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn. Nhiều mô hình, lớp tập huấn được triển khai thực hiện; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến được đẩy mạnh nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, đem lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trần Thanh Hiệp cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, tổng diện tích thực hiện chuyển đổi từ lúa, nếp sang rau, màu và cây ăn trái trên 1.968ha, đạt 75,34% kế hoạch. Trong đó, chuyển sang nhóm cây màu 1.536,8ha; nhóm rau dưa các loại là 325,1ha; nhóm cây ăn trái là 106,2ha.

Việc chuyển đổi cây trồng thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân

Kết quả của sự chuyển đổi trên là do giá đầu ra của nhóm cây màu cao và ổn định. Trong khi đó, giá đầu ra của nhóm rau dưa và nhóm cây ăn quả bấp bênh. Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu gạo hiện nay đang cải thiện, giá lúa có xu hướng tăng, nên bà con nông dân tận dụng cơ hội tăng thêm thu nhập. Vì thế, diện tích chuyển đổi sang 2 nhóm rau dưa các loại và cây ăn trái còn hạn chế so với kế hoạch, đặc biệt là nhóm cây ăn trái.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng còn một số khó khăn do công tác dự báo về nhu cầu của thị trường tiêu thụ chưa thường xuyên, kịp thời dẫn đến hoạt động điều hành sản xuất theo hướng chuyển đổi cây trồng còn bị động. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho cây trồng được chuyển đổi có mức chi phí cao, cộng thêm tình trạng thiếu nhân công lao động trong thu hoạch khi thực hiện trên diện tích lớn đang xảy ra.

Ngoài những khó khăn trên, việc chuyển đổi một số loại cây trồng còn mang tính tự phát, chạy theo phong trào gây tác động cho việc gắn kết tiêu thụ sản phẩm khi cung vượt cầu. Mặt khác, việc liên kết, tiêu thụ còn nhiều hạn chế; trên địa bàn tỉnh chưa đầu tư nhà máy chế biến; các vựa thu mua nông sản, doanh nghiệp liên kết trong khâu tiêu thụ còn khiêm tốn.

Ngoài ra, nguồn kinh phí thực hiện việc chuyển đổi còn hạn chế, chủ yếu thông qua các mô hình, chương trình, dự án. Việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, chưa tạo động lực thúc đẩy để hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Trong khi đó, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống thủy lợi ở một số vùng chưa đảm bảo phục vụ cho vùng sản xuất rau, màu, cây ăn quả có diện tích lớn, nhất là hệ thống đê bao, cống bọng...

Hỗ trợ chuyển đổi, tiêu thụ nông sản

Theo kế hoạch, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2024 của tỉnh trên 7.463ha. Trong đó, rau dưa các loại là 1.465,5ha; cây màu 2.933,6ha, cây ăn trái 3.064ha. Tính trong vụ hè thu năm 2024, tổng diện tích chuyển đổi rau, màu và cây ăn trái ước trên 2.985ha. Riêng đối với cây ăn trái, diện tích xuống giống theo kế hoạch chuyển đổi giai đoạn 2021 - 2025 thêm khoảng 1.226ha, chủ yếu là: Xoài, mít, chuối, cây có múi, nhãn, sầu riêng…

Để việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, Sở NN&PTNT đề xuất cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế đóng gói, kho lạnh bảo quản, chế biến xuất khẩu... để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngành NN&PTNT tỉnh An Giang đề nghị đầu tư, phát triển các hoạt động dịch vụ hỗ trợ đầu ra cho nông dân, như: Xúc tiến thương mại, thông tin dự báo giá cả, tìm kiếm và mở rộng thị trường... Xây dựng kênh thông tin giá cả làm chuẩn mực cho việc chốt giá giữa nông dân và doanh nghiệp (DN).

Đây là thời điểm thích hợp để nông dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng

Tăng cường tìm kiếm đối tác, DN ngoài tỉnh và nước ngoài để phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, đặc biệt là xoài và cây ăn trái. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân đối với các loại cây trồng mới. Có cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân chi phí chuyển đổi cây trồng và bảo hiểm cây trồng chuyển đổi. Hỗ trợ chứng nhận, tái chứng nhận đối với một số loại sản phẩm cần chứng nhận tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường...

Đối với việc tiêu thụ các loại rau màu, cây ăn trái, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc mời gọi DN gắn kết, đầu tư và thu mua các loại rau, màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, như: Bắp non, đậu nành rau và nhóm rau dưa… Liên kết với các nhà thu mua có thị trường rộng mở, như: Bách Hóa xanh, Co.opmart…

Bên cạnh đó, củng cố các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối liên kết tiêu thụ cây ăn quả, chủ động trong việc tìm kiếm và kết nối DN trong liên kết phù hợp năng lực sản xuất. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các DN trong và ngoài tỉnh để giải quyết đầu ra cho nhóm cây ăn quả trong mùa thu hoạch rộ.

ĐÌNH ĐỨC