An Giang đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư

03/05/2023 - 02:44

 - Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư của tỉnh An Giang diễn ra sôi động, đa dạng, với nhiều sự kiện, điểm nhấn thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh quảng bá

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu, thời gian qua, tỉnh tăng cường quảng bá tiềm năng, chính sách thu hút đầu tư, các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư đến các tập đoàn, DN nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu…

Trên tinh thần tăng cường sự kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giữa Đồng Tháp và An Giang giai đoạn 2022 - 2025 đã được ký kết. An Giang còn tham gia Diễn đàn thương mại Việt Nam - Ấn Độ; Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu; Hội nghị Xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long…

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những đặc sản của An Giang đến các tỉnh, thành phố bạn

Năm 2022, An Giang đã tiếp đón và làm việc với hơn 100 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, trong đó có các tổ chức, nhà đầu tư, như: Công ty Hana Jonghap Vina, thực hiện khảo sát địa điểm đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời công suất 200MW tại xã Lương An Trà và Tân Tuyến (huyện Tri Tôn); đoàn DN Hàn Quốc tổ chức khảo sát Khu công nghiệp Xuân Tô, Khu thương mại miễn thuế Tịnh Biên, chợ biên giới Tịnh Biên, Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (TX. Tịnh Biên).

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 32/KH-UBND, ngày 19/1/2022 triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang; tổ chức hội nghị đối thoại DN, nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Với những hoạt động nổi bật, tỉnh An Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong thu hút đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 7.216 DN và 4.089 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 80.678 tỷ đồng. Năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận 69 dự án đăng ký đầu tư mới, trong đó đã phê duyệt 11 dự án, tổng vốn đầu tư 1.660 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án, tổng vốn 14.096 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, toàn tỉnh hiện có 40 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 304 triệu USD, tổng vốn thực hiện 176 triệu USD (chiếm 57,89% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt từ 164.600 - 176.000 tỷ đồng, bình quân tăng 7,6%/năm. Trên cơ sở đó, Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023 phấn đấu đạt các mục tiêu: Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng trên 10% so năm 2022.

Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung trên địa bàn tỉnh quy đổi đạt khoảng 700 triệu USD (bao gồm cả dự án FDI và dự án đầu tư trong nước). Thu hút ít nhất 10 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, gồm: Hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp; công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; văn hóa - xã hội - môi trường, tổng vốn đầu tư đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, mỗi lĩnh vực có ít nhất 1 dự án quy mô lớn có tính động lực, tạo sự lan tỏa cao, góp phần phát triển KTXH của tỉnh.

Đặc biệt, An Giang tận dụng vị trí trung tâm kinh tế thương mại, kết nối giữa 3 thành phố lớn, gồm: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và TP. Phnom Penh (Vương quốc Campuchia); là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia và các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với Vương quốc Campuchia, các nước thành viên ASEAN.

Trên cơ sở Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, góp phần đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Định hướng chung trong thu hút mời gọi các dự án đầu tư là chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.

Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023 gồm 9 nội dung hoạt động chủ yếu: Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.

Tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư khác và bố trí, sắp xếp, điều phối các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch một cách cụ thể, rõ ràng. Trong đó, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức thực hiện, đa dạng hóa, đa phương hóa đối tác thu hút đầu tư; đặc biệt là các hoạt động đưa DN của tỉnh tham gia các hội chợ quốc tế nhằm hỗ trợ các làng nghề, DN tìm kiếm các hợp đồng sản xuất - kinh doanh…

THU THẢO