An Giang đột phá kinh tế, mở lối tương lai

27/04/2022 - 06:35

 - Trong quá trình xây dựng và phát triển, An Giang đã có những đột phá, đi đầu về đổi mới tư duy kinh tế, quan hệ và phương thức sản xuất, tạo nên những dấu ấn, được Trung ương và giới chuyên môn đánh giá cao. Để thích ứng phát triển trong tình hình mới, An Giang tiếp tục tìm kiếm những giải pháp đột phá với tư duy sáng tạo không ngừng.

An Giang quyết tâm tạo đột phá mới về nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: N.C

Đột phá, đổi mới nông nghiệp

An Giang được đánh giá là một trong những tỉnh hưởng lợi lớn nhất từ dòng Mekong khi nằm ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, được sông Tiền, sông Hậu cung cấp nước ngọt, nguồn lợi thủy sản, phù sa quanh năm. So các tỉnh ĐBSCL, An Giang cũng ít chịu tác động của hạn hán, nước mặn xâm nhập. Điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, nguồn nước… mang đến cho An Giang lợi thế rất lớn về nông nghiệp.

Vậy mà 10 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-1985), người dân An Giang lại rơi vào cảnh đói ăn, phải nhận trợ cấp lương thực từ Trung ương. Nguyên nhân là do cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp không phù hợp quy luật thị trường, khiến sức sản xuất của nông dân bị kiềm hãm. Là vùng đất từng dẫn đầu về khai hoang, phục hóa nhưng thời kỳ này, đất ruộng An Giang bị bỏ hoang hóa thường xuyên lên đến hơn 30.000ha. Thống kê năm 1978, sản lượng lương thực của An Giang chỉ đạt 369.304 tấn, bình quân đầu người 375kg/năm, chỉ cao hơn được tỉnh Bến Tre trong khu vực ĐBSCL.

Trước bối cảnh này, Đảng bộ tỉnh một mặt chỉ đạo đầu tư vào thủy lợi, chuyển đổi từ lúa mùa 1 vụ sang lúa thần nông 2 vụ/năm (thời gian canh tác ngắn và năng suất cao hơn), một mặt đột phá về tư duy kinh tế. Ngay trước thời kỳ đổi mới (1981-1982), An Giang đã “dám” chuyển đổi từ giá bao cấp “1 giá” của nhà nước sang cơ chế “2 giá” (gồm giá quốc doanh và giá thỏa thuận), tiếp theo là cho thực hiện hợp đồng kinh tế 2 chiều trong nông nghiệp, gồm giá trong nghĩa vụ và giá khuyến khích.

Bắt đầu từ thời kỳ đổi mới (1986), Đảng bộ tỉnh An Giang đã mạnh dạn chủ trương thực hiện cơ chế “1 giá” là giá thị trường. Đồng thời, chuyển từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, giúp nền kinh tế dần hồi phục, thế mạnh nông nghiệp được phát huy.

Cuối năm 1987, đầu năm 1988, An Giang tiến hành giao đất ruộng về cho nông dân, quyền sử dụng lâu dài được tôn trọng, nông dân được tự do bán sản phẩm với giá mình chọn, kích thích năng lực sản xuất tăng lên nhanh chóng. Từ tỉnh đói ăn, An Giang đã vươn lên thành tỉnh sản xuất lúa gạo đứng đầu cả nước, đóng góp lớn vào sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Không ngừng sáng tạo

Sau lúa gạo, An Giang lại tiếp tục đột phá, đi đầu về nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, basa, được tôn vinh là “cái nôi” của con cá tra vùng ĐBSCL. Đó là thời kỳ đầu những năm 1990, khi nghề nuôi cá tra chủ yếu trong lồng bè, sử dụng cá giống tự nhiên được vớt ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, sản lượng cá nuôi ít, chủ yếu cung cấp thị trường nội địa.

Thấy được giá trị dinh dưỡng và vị thế gần như độc tôn của con cá tra, tỉnh khuyến khích nông dân, doanh nghiệp (DN) đào ao nuôi cá, xây dựng nhà máy chế biến để xuất khẩu. Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra phát triển rầm rộ, tạo nên một trong thời kỳ hoàng kim đáng nhớ của loài cá đặc hữu sông Mekong.

Đến nay, An Giang đã phát triển được khoảng 2.400ha mặt nước nuôi cá, trong đó vùng nuôi của DN và diện tích nuôi có liên kết tiêu thụ với DN chiếm 85%. Cá tra nuôi ở An Giang xuất khẩu hơn 100 nước trên thế giới. Nghề nuôi cá tra bây giờ chủ động con giống, kỹ thuật nuôi theo công nghệ cao. An Giang trở thành địa phương có sản lượng cá tra xuất khẩu hàng đầu ĐBSCL và là trung tâm cung cấp con giống cá tra có chất lượng cho cả vùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, sau 2 giai đoạn đột phá thành công, An Giang đang tiếp tục bước vào giai đoạn đột phá thứ 3. Đó là đột phá tháo gỡ các điểm nghẽn để thu hút đầu tư mạnh mẽ, đột phá về phát triển kinh tế hợp tác kiểu mới, đột phá về sắp xếp thứ tự ưu tiên cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Để mời gọi DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, An Giang đã thu hút hơn 60 dự án đầu tư vào nông nghiệp, tổng vốn đăng ký khoảng 22.860 tỷ đồng, chiếm 44% tổng vốn đăng ký đầu tư trên các lĩnh vực (cao hơn nhiều so với tần suất đầu tư vào nông nghiệp của cả nước).

Cùng với tích cực mời gọi đầu tư, An Giang cũng khuyến khích DN tham gia thành lập hợp tác xã kiểu mới theo hình thức góp vốn, cử nhân sự tham gia quản lý, điều hành hợp tác xã. Khi lợi ích của DN và xã viên nông dân cùng gắn kết, sẽ tạo nên mối liên kết theo chuỗi giá trị bền vững hơn.

Đối với An Giang, nông nghiệp vẫn luôn là bệ đỡ, trụ cột của nền kinh tế. Do vậy, những đột phá, đổi mới thành công về nông nghiệp sẽ tạo động lực thúc đẩy những lĩnh vực khác cùng phát triển. Ông Trần Anh Thư cho biết, An Giang đang phát triển nông nghiệp theo hướng xoay chuyển trục, lấy ngành thủy sản làm kinh tế chính để phát triển nông nghiệp cho tỉnh, sau đó mới đến rau, củ, quả, cây ăn trái và cuối cùng là cây lúa. Đây là định hướng đột phá mới phù hợp với xu thế trong nước và thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, xu thế của người tiêu dùng hiện nay là chuyển từ “ăn no, mặc ấm” sang “ăn ngon, mặc đẹp”. Do vậy, An Giang cần xác định cụ thể vấn đề để có “từ khóa” mở ra sự phù hợp với việc chuyển đổi theo Nghị quyết 120 của Chính phủ khi ưu tiên cá tra, rau màu, cây ăn trái và cuối cùng mới đến lúa gạo. Đồng thời, giúp nông dân có tư duy làm nông nghiệp hướng đến sự bền vững bởi về lâu dài, nông nghiệp vẫn sẽ là trụ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội của An Giang. Sự đột phát trong chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kinh tế hợp tác có sự tham gia của DN sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

NGÔ CHUẨN