An Giang hiện thực hóa nghị quyết của Bộ Chính trị

29/06/2023 - 06:20

 - Thời gian qua, với việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH), nhất là hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đang hiện thực hóa nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh dự Lễ khởi công Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

Nghị quyết ra đời đáp ứng khát vọng phát triển, vươn lên của các địa phương vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng. Đây được xem là cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời của hàng loạt cơ chế, chính sách mới để khai thác, phát huy hiệu quả (ở mức cao nhất) các tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng nhằm phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của khu vực Tây Nam Bộ.

Năm 2022, khi cả nước vừa bước ra khỏi đại dịch COVID-19, để KTXH các vùng trong cả nước nhanh chóng phục hồi và phát triển, ngay trong năm này, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết quan trọng mang tính bước ngoặt để phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các vùng bao gồm: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng ĐBSCL.

“Bằng việc ban hành 6 nghị quyết cho 6 vùng trong cả nước, trong đó có vùng ĐBSCL, như một luồng gió mới vực dậy thế mạnh, tiềm năng sẵn có của vùng, tạo tiền đề quan trọng để các tỉnh trong khu vực phát triển, trong đó có tỉnh An Giang…” - ông Trần Đình Luân (cán bộ hưu trí phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) khẳng định.

Mới đây, tại cuộc họp báo nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức chiều 21/6, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đang hiện thực hóa Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị bằng việc đề xuất với Trung ương một số chính sách mang tính “đặc thù”, phục vụ cho sự phát triển. Đồng thời, tỉnh phối hợp các bộ, ngành Trung ương tổ chức lễ khởi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Trước đó, Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc kết nối với tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An cũng được khởi công.

Ngoài 2 dự án vừa nêu, trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1703/QĐ-UBND, ngày 5/7/2022, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 09-CTr/TU, ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, trong những năm tới, tỉnh An Giang sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị, đầu tư xây dựng cầu Năng Gù, cầu Thuận Giang để kết nối giao thông, tạo điều kiện phát triển KTXH huyện Phú Tân, Chợ Mới; đầu tư xây dựng cầu bắc qua xã Mỹ Hòa Hưng để phát triển du lịch, KTXH quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Chia sẻ về tầm quan trọng của Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) đối với sự phát triển của ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, nghị quyết là tiền đề quan trọng để khai thác và phát huy tốt các lợi thế của vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới cho các đô thị trong vùng. Chính tầm quan trọng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang nêu cao quyết tâm chính trị, sẽ triển khai thực hiện thành công nghị quyết này trong những năm tới.

Cắt băng công bố mở mới Cửa khẩu đường bộ Vĩnh Xương, hợp nhất Cửa khẩu đường sông Vĩnh Xương thành Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương

Hiện thực hóa Nghị quyết 13-NQ/TW, vừa qua, tại TP. Châu Đốc, Bộ Giao thông vận tải phối hợp các tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Dự án có tổng chiều dài 188km. Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Công trình hoàn thành sẽ có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của các tỉnh trong vùng, thu hút được nhiều nhà đầu tư về đây đầu tư, xây dựng nhà máy, xí nghiệp để chế biến và xuất khẩu các loại nông sản trong vùng.

“Công ty Cổ phần Nam Việt đang triển khai nhiều dự án trên địa bàn tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ. Khi Chính phủ khởi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng, bởi dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng cho việc vận chuyển hàng hóa từ nhà máy ra cảng biển Trần Đề để xuất khẩu, giảm chi phí không cần thiết, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới” - ông Doãn Tới (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt) khẳng định.

An Giang đang hiện thực hóa Nghị quyết 13-NQ/TW bằng việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông mang tính kết nối liên vùng, phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị, gồm: Trung tâm đầu mối ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt; tập trung đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Hy vọng, khi các dự án được triển khai và đưa vào sử dụng, vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng sẽ phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng mong muốn của Bộ Chính trị đề ra trong nghị quyết.

MINH HIỂN