An Giang hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững

15/03/2024 - 07:25

 - Nông nghiệp luôn được xác định là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế An Giang. Trước xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng chuyển đổi phù hợp, không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản, mà còn giúp nông dân hưởng lợi từ bán tín chỉ carbon, thu nhập cao hơn nhờ liên kết bền vững.

Ký kết phối hợp triển khai nhiệm vụ ngành nông nghiệp

Thắng lợi nhiều mặt

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tôn Thất Thịnh cho biết, năm 2023, ngành nông nghiệp An Giang đã lấy lại đà tăng trưởng, đạt tốc độ tăng trưởng 4,43%, vượt kịch bản đề ra (từ 3,2 - 3,5%) và là mức cao nhất từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh bị tác động sản xuất, năm 2023, An Giang vẫn duy trì tổng diện tích gieo trồng 665.800ha, tăng 12.800ha so năm 2022. Trong đó, tổng diện tích xuống giống lúa hơn 616.200ha, tăng 11.800ha. Nông dân đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các mô hình, giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa; sản lượng cả năm gần 4,1 triệu tấn, tăng hơn 141.000 tấn.

Với rau, màu, tổng diện tích gieo trồng gần 49.600ha, tăng 989ha, năng suất ổn định. Đối với cây lâu năm, diện tích trồng mới (năm 2023) khoảng 1.700ha, nâng tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có 21.700ha, trong đó cây ăn trái 19.700ha (tăng 369ha), ước sản lượng thu hoạch khoảng 336.000 tấn (tăng gần 23.000 tấn).

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi, đặc biệt là quy mô đàn của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh được mở rộng. Trong khi đó, tổng sản lượng thu hoạch thủy sản cả năm 2023 đạt gần 652.000 tấn, tăng gần 37.000 tấn so cùng kỳ. Hầu hết diện tích nuôi cá tra là vùng nuôi của các DN, có chu trình sản xuất khép kín, quy mô nuôi và thu hoạch đều tăng.

“Toàn ngành nông nghiệp tập trung triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, bền vững. Từ đó, sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2023 tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế” - ông Tôn Thất Thịnh đánh giá.

Những cơ hội mới

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho rằng, An Giang có điều kiện tốt để khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp. “Khi Bộ NN&PTNT triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, hầu hết diện tích lúa của An Giang đều có thể tham gia.

Với điều kiện sản xuất tốt quanh năm, an toàn, ít chịu tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh sẽ tiếp tục có đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Trong bối cảnh nhiều nước gặp khó khăn về sản xuất, khả năng cung ứng lương thực, xuất khẩu gạo trở thành “vũ khí mềm”, quyền thương lượng để nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” - ông Thòn nhận xét.

Theo người đứng đầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, vấn đề liên kết sản xuất vẫn là điểm yếu, quyết định sự sống còn của ngành nông nghiệp. Không chỉ liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị, mà DN xuất khẩu phải thống nhất nhau giữ giá sàn, không phá giá để giành đơn hàng. “Sáng tạo của An Giang là thành lập các chi hội nông dân nghề nghiệp, phát huy vai trò tự giác hợp tác của nông dân, ít vướng vào luật lệ, quy định, có thể liên kết với DN để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lớn” - ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.

Bên cạnh cây lúa, An Giang cũng là vùng nguyên liệu rau màu, cây ăn trái với nhiều điều kiện thuận lợi phát triển. Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) Nguyễn Huy Cường thông tin: “Sản phẩm của Antesco xuất khẩu 60% sang thị trường Hoa Kỳ, 30% sang Châu Âu, Nhật Bản. Đây là những thị trường khó tính với nhiều rào cản kỹ thuật, nhất là yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Antesco đang cố gắng xây dựng vùng nguyên liệu xoài keo lớn nhất thế giới tại An Giang, với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu công nghệ xuất khẩu trái cây tươi hiện đại, mang lại giá trị cao cho nông dân; hiện đang thử nghiệm thành công trên xoài, sầu riêng”.

Trong khi đó, với hiệu quả triển khai hợp đồng chăn nuôi gia công thời gian qua, ông Ngô Thoại (Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - chi nhánh Đồng Tháp) cho biết, C.P sẽ mở rộng chuỗi liên kết chăn nuôi heo, gà, vịt, gà đẻ trứng trên địa bàn An Giang theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng vùng an toàn để đáp ứng nhu cầu về lâu dài.

Thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp

“Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò vừa là nền tảng, vừa là trụ đỡ quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiên đại, hiệu quả, bền vững; chuyển đổi từ tư duy tăng trưởng sản lượng sang tư duy về tăng giá trị, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đánh giá.

Để đóng góp vào năm “bản lề” quan trọng của tỉnh, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 3,5 - 3,8%; tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 95%; phấn đấu có thêm 5 xã nông thôn mới, 5 xã nông thôn mới nâng cao. Để tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, năm 2024, tỉnh sẽ  xây dựng mô hình điểm tại 7 hợp tác xã với quy mô ít nhất 50ha/mô hình, đảm bảo các tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng, tiêu chí canh tác bền vững và tăng trưởng xanh, tiêu chí về tổ chức sản xuất và tiêu chí DN tham gia liên kết.

Nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân trong thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản. Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực.

NGÔ CHUẨN