Tháo gỡ khó khăn năm cũ
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 18 dự án đầu tư mới, gồm 17 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 947 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2020, giảm 27 dự án (tương đương 40%) và vốn đăng ký đầu tư bằng 12,77% (giảm 6.466 tỷ đồng). Toàn tỉnh có 520 DN đăng ký thành lập mới, 337 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động, tổng số vốn đăng ký 6.968 tỷ đồng. So cùng kỳ, số DN đăng ký giảm 236 DN, số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động giảm 161 đơn vị, nhưng vốn đăng ký tăng 989 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh có 7.019 DN đang hoạt động, 3.556 đơn vị trực thuộc, tổng vốn đăng ký 73.227 tỷ đồng.
Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. An Giang có nhiều thuận lợi để huy động nguồn lực đầu tư, như: Cơ sở hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông) ngày càng hoàn thiện, hạ tầng du lịch khu vui chơi giải trí tiếp tục được nâng cấp. Các dự án lớn do nhà đầu tư thực hiện được triển khai xây dựng sẽ tạo động lực, sức lan tỏa trong phát triển KTXH của tỉnh.
An Giang hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế. Ảnh: HẠNH CHÂU – THANH HÙNG
Để huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển KTXH, tỉnh đổi mới tư duy từ “cấp phép, cho phép” sang “chăm sóc, phục vụ nhà đầu tư, DN”; tập trung tháo gỡ và giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm thu hút tối đa nguồn lực để đầu tư. Phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công để kích hoạt và gia tăng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội (đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và hỗ trợ DN). Huy động nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để xúc tiến, mời gọi đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế tư nhân; hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân vào phát triển KTXH, để thật sự trở thành động lực quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các sở, ban, ngành tỉnh tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn quyết toán; tích cực hỗ trợ chủ đầu tư xử lý khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đầu tư xây dựng, nhất là dự án, công trình trọng điểm, có tỷ trọng vốn lớn. Hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn do thay đổi quy mô, thiết kế, kỹ thuật công trình dự án...
Huy động nguồn lực năm mới
Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang cho biết, nhiệm vụ đầu tiên đơn vị tập trung thực hiện là tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), xóa hết rào cản, điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC cho DN, nhà đầu tư. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, TTHC khác cho DN, nhà đầu tư khi triển khai dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh trên nguyên tắc “những quy định nào đã rõ, đã tương thích và được thực tiễn chứng minh là đúng, là phù hợp thì cần tiếp tục mạnh dạn áp dụng để tránh tình trạng thận trọng quá mức cần thiết làm xáo trộn môi trường đầu tư của tỉnh, ảnh hưởng tiêu cực đến DN, nhà đầu tư vốn đã bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19”. Từ đó tạo niềm tin cho DN, nhà đầu tư; triển khai thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm.
Thời gian tới, đơn vị tập trung cải tiến và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư; phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, hội nghị, hội thảo chuyên đề với mục tiêu thu hút mạnh mẽ vốn FDI vào các lĩnh vực. Tận dụng triệt để cơ hội và lợi thế do các hiệp định, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)… mang đến. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổ phục hồi, phát triển kinh tế; tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban Hỗ trợ DN tỉnh và tổ giúp việc; bố trí nguồn lực đầu tư công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính kết nối và động lực cao...
Cùng với đó, Sở Công thương An Giang thông tin, đơn vị sẽ phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tốt nhất cho DN tổ chức lại sản xuất, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, để đảm bảo không làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Hỗ trợ DN trong nước tham gia hợp tác, kết nối với DN đầu tư nước ngoài...
Tin rằng, bằng nhiều giải pháp thiết thực, năm 2022, tỉnh tiếp tục hỗ trợ hiệu quả DN, nhà đầu tư sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do tác động bởi đại dịch, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh.
HẠNH CHÂU