An Giang huy động nguồn lực nối nhịp cầu quê

04/04/2024 - 07:20

 - Khi ban hành Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn, UBND tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng thêm 160 cây cầu trên địa bàn An Giang. Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm (2021 - 2023), có 171 cầu được xây dựng, với nguồn vốn huy động xã hội hóa 141,7 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, ý nghĩa nhân văn của đề án nhận được sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp (DN).

Khánh thành cầu giao thông nông thôn

Doanh nghiệp đồng hành

Là thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (THACO AGRI) đang triển khai các dự án nuôi heo giống, heo thịt công nghệ cao, quy mô lớn tại An Giang. Bên cạnh tập trung sản xuất, THACO tích cực đồng hành với các hoạt động an sinh xã hội của tỉnh.

Mới đây, THACO tài trợ 2,35 tỷ đồng cho huyện Tri Tôn xây dựng cầu Kênh 15 (thị trấn Cô Tô) và cầu Tân Vọng (xã Tân Tuyến), giúp kết nối các tuyến giao thông nông thôn trọng điểm, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản.

“Việc tài trợ xây cầu tại địa bàn huyện Tri Tôn thể hiện sự đồng hành của THACO trong chia sẻ khó khăn với địa phương. Chúng tôi mong muốn bà con trên địa bàn tỉnh di chuyển thuận lợi, phát triển giao thương, từ đó ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - Giám đốc THACO AGRI An Giang Nguyễn Văn Nhựt chia sẻ.

Sự đồng hành, ủng hộ của người dân và những DN như THACO đang góp phần giúp Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 vượt tiến độ đề ra.

Kết quả ấn tượng

Theo kế hoạch của đề án (Quyết định 1697/ĐA-UBND, ngày 22/7/2021 của UBND tỉnh), giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu thực hiện xã hội hóa hoàn thành tối thiểu 160 cầu giao thông nông thôn, với tổng kinh phí dự kiến gần 404,75 tỷ đồng, phân kỳ đầu tư năm 2021 xây dựng 42 cầu, năm 2022 xây dựng 37 cầu, năm 2023 xây dựng 35 cầu, năm 2024 xây dựng 26 cầu và năm 2025 xây dựng 20 cầu. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, các địa phương đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 171 cầu, đạt 150% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2023 (kế hoạch xây dựng 114 cầu), đạt 106% cả giai đoạn 2021 - 2025.

Để hoàn thành 171 cây cầu nông thôn, trong giai đoạn 2021 - 2023, các địa phương đã huy động nguồn vốn đầu tư 185,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ 44,2 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội 141,7 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 76,2%), Nhân dân đóng góp 14.277 ngày công, hiến 300m2 đất. Đặc biệt, có 131 cầu được xã hội hóa xây dựng 100%, tổng kinh phí vận động 93,9 tỷ đồng; 40 cầu vốn ngân sách kết hợp xã hội hóa, tổng kinh phí 92 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2021 đầu tư hoàn thành 36 cầu, kinh phí 45,4 tỷ đồng, trong đó huy động xã hội hóa 22,5 tỷ đồng, cùng 1.474 ngày công lao động. Năm 2022, đầu tư hoàn thành 73 cầu, kinh phí 79,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 6,5 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội 73,2 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 11.018 ngày công, hiến 300m2 đất. Năm 2023, hoàn thành 62 cầu (vượt 27 cầu so kế hoạch), tổng vốn đầu tư 60,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 14,8 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội 46 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 1.785 ngày công.

Nỗ lực của địa phương

Thực tế cho thấy, địa phương nào tạo được sự đồng thuận của người dân, huy động sức dân tốt, hiệu quả xây dựng cầu nông thôn đạt cao. Điển hình như huyện cù lao Chợ Mới, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng 40 cầu, nhưng trong 3 năm qua, đã xây dựng được 65 cầu, hơn gấp đôi kế hoạch 2021 - 2023 (xây dựng 29 cầu).

Trong tổng kinh phí địa phương huy động 39,22 tỷ đồng xây dựng cầu, hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa (không sử dụng ngân sách), gồm: 24,1 tỷ đồng do Nhân dân đóng góp, vận động DN hơn 8,69 tỷ đồng. Người dân còn đóng góp 9.990 ngày công, cùng hiện vật quy tiền 2,4 tỷ đồng.

Tương tự, ở huyện nông thôn mới Thoại Sơn, địa phương nổi tiếng với tốc độ xây dựng cầu, đường nông thôn, kết quả “khoan sức dân” cũng cho “quả ngọt”. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện có kế hoạch xây dựng 12 cầu nông thôn, trong đó giai đoạn 2021 - 2023 là 11 cầu, nhưng kết quả thực hiện đạt 33 cầu (tỷ lệ 300%). Trong tổng kinh phí gần 62,33 tỷ đồng, ngoài nguồn ngân sách 33,63 tỷ đồng, còn lại chủ yếu do Nhân dân đóng góp, cùng ngày công quy tiền gần 1,06 tỷ đồng, hiện vật quy tiền hơn 5,21 tỷ đồng.

Ở huyện cù lao Phú Tân, 3 năm qua, có 11 cây cầu được xây dựng (đạt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025). Trong tổng kinh phí xây cầu gần 18,11 tỷ đồng, người dân “xứ đạo” đóng góp gần 15,1 tỷ đồng, 1.111 ngày công (quy tiền gần 1,07 tỷ đồng), hiến 300m2 đất, hiện vật quy tiền 453 triệu đồng. Tại TP. Long Xuyên, 13 cây cầu xây dựng trong 3 năm qua hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa (gần 6,93 tỷ đồng, chủ yếu do Nhân dân đóng góp).

Với TX. Tân Châu, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2023 chỉ xây dựng 2 cây cầu, nhưng từ năm 2021 - 2023 đã xây dựng được 7 cây cầu, kinh phí hơn 8,34 tỷ đồng hoàn toàn từ đóng góp của DN. TX. Tịnh Biên xây dựng được 3 cây cầu, kinh phí hơn 3,66 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa (kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 chỉ xây dựng 1 cây cầu). Huyện Châu Phú xây dựng được 10 cây cầu (kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là 8 cầu), Nhân dân đóng góp hơn 17,58 tỷ đồng trong tổng kinh phí gần 20,54 tỷ đồng (ngân sách hỗ trợ 2,95 tỷ đồng)...

“Nhìn chung, các địa phương đều nỗ lực thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, xác định việc xây dựng cầu xã hội hóa là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho chính người dân, tạo được niềm tin, sự đồng thuận lớn trong toàn xã hội” - Giám đốc Sở Giao thông vận tải An Giang Ngô Công Thức nhấn mạnh.

Trong 171 cầu giao thông nông thôn được xây dựng giai đoạn 2021 - 2023, huyện Chợ Mới nhiều nhất với 65 cầu, huyện Thoại Sơn 33 cầu, huyện Châu Thành 14 cầu, TP. Long Xuyên 13 cầu, huyện Tri Tôn 12 cầu, Phú Tân 11 cầu, Châu Phú 10 cầu, TX. Tân Châu 7 cầu, TX. Tịnh Biên 3 cầu, huyện An Phú 2 cầu và TP. Châu Đốc 1 cầu.

NGÔ CHUẨN