An Giang kết nối số cho doanh nghiệp

06/04/2021 - 03:35

 - Khi áp dụng công nghệ, doanh nghiệp (DN) sẽ được kết nối nhanh chóng với nhà cung cấp, kết nối hệ thống sản xuất với nguồn nguyên - vật liệu, kết nối sản phẩm với thị trường rộng lớn. Công nghệ cũng giúp công tác quản trị được đồng bộ, tự động hóa và hiệu quả hơn rất nhiều.

Đổi mới hoạt động

Ngày 27-3 vừa qua, tại Khu du lịch Lâm viên núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên) đã diễn ra hội nghị thường niên Hiệp hội DN tỉnh An Giang năm 2021. Đây là hoạt động đánh dấu sự đổi mới của Hiệp hội DN trong công tác vận hành, kết nối và hỗ trợ DN. Sự đổi mới này thu hút DN tham gia đông đảo hơn so với dự kiến. Các hoạt động trưng bày, liên kết giao thương, trao đổi, giới thiệu sản phẩm của DN diễn ra sôi động, phấn khởi. Nhiều DN hội viên đã tham gia đồng hành tài trợ kinh phí tổ chức, sản phẩm quà tặng giúp hội nghị thêm thành công. Trong đó có 3 DN tài trợ 500 triệu đồng cho quỹ Hiệp hội DN tỉnh, gồm: Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang (tài trợ 200 triệu đồng), Công ty TNHH Liên doanh Antraco (tài trợ 200 triệu đồng) và Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang (tài trợ 100 triệu đồng).

Ông Nguyễn Quang Huy (phải) bàn giao hệ thống phần mềm phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư

Tại hội nghị lần này, lãnh đạo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đã đồng hành cùng An Giang, chia sẻ, trao đổi với DN tỉnh xung quanh chuyên đề “Vai trò của hiệp hội trong liên kết DN và phát triển kinh tế địa phương”. Đối với đại diện khách mời là Công ty Cổ phần Công nghệ Atalink đã nhiệt tình trao đổi, giao lưu chuyên đề “Chuyển đổi số trong việc xây dựng chuỗi cung ứng số, kết nối số cho DN ĐBSCL với thế giới - Cơ hội và thách thức”.

Trong đó, nội dung được chờ đợi nhất là lễ ký kết hợp tác “Triển khai giải pháp chuyển đổi số - Kết nối các DN tỉnh An Giang và cộng đồng DN Việt Nam” (dự án ATALINK), được ký giữa Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp và ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ Atalink, dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư. Dự án sẽ hỗ trợ giải pháp quản trị chuỗi cung ứng cho 2.000 DN nhỏ và vừa tỉnh An Giang.

Dịp này, Công ty Cổ phần Công nghệ Atalink đã trao tặng, bàn giao hệ thống phần mềm phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động theo hình thức trực tuyến cho UBND tỉnh An Giang.

Hướng đến hiệu quả

Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN, hợp tác xã (HTX), làm đứt gãy gần như toàn bộ chuỗi cung ứng của hệ thống sản xuất thương mại vì nhiều lý do, nhưng cơ bản nhất là cộng đồng DN Việt Nam chưa có công cụ nền tảng thông minh nội địa để hình thành chuỗi. Trong khi đó, công tác quản lý và truyền thông, hỗ trợ hội viên của các tổ chức hội đang bị phân mảnh rời rạc về thông tin. Các hội, nhóm, trung tâm xúc tiến… không có công cụ đủ công năng để giải quyết bài toán xúc tiến thương mại trực tuyến.

Họ mới chỉ vận dụng một số nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, Viber trong việc chia sẻ thông tin với nhau ở dạng text và chỉ trong phạm vi hẹp là các thành viên trong nhóm đó. Trong khi nhu cầu hiện tại là tổ chức hội, DN, HTX cần chuyển đổi số, cần kết nối với nhà cung cấp, với thị trường, quản trị hệ thống thông minh 4.0 và dữ liệu lớn để hình thành chuỗi cung ứng cho hiệp hội, địa phương, cho nền kinh tế Việt Nam và hướng tới tích hợp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, sau khi bàn bạc và thống nhất, Công ty Cổ phần Công nghệ Atalink đã thống nhất tài trợ cho Hiệp hội DN An Giang gói chuyển đổi số với phạm vi 2.000 DN trong tỉnh, trị giá 20 tỷ đồng với thời hạn 10 năm.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang đổi mới hoạt động

Theo ông Huy, ATALINK là giải pháp quản trị chuỗi cung ứng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (Cloud-based Solution-as-a-Service), đã có 18 năm kinh nghiệm trên thị trường Mỹ với hệ thống kết nối chuỗi thiết bị y tế, 17 năm kinh nghiệm trên thị trường Nhật Bản với hệ thống kết nối chuỗi Logistics. Tại Việt Nam, ATALINK sẽ kết nối DN với nhà cung cấp, kết nối hệ thống sản xuất với nguồn nguyên - vật liệu, kết nối sản phẩm với thị trường, kết nối giao thương tới dữ liệu khoảng 800.0000 DN/tổ chức, 480 khu chế xuất, khu công nghiệp, 408 hội, hiệp hội trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam có xác thực.

Đối với Hiệp hội DN An Giang và các tổ chức tương tự, ATALINK sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, minh bạch trong quản lý, bằng cách thống nhất các hệ thống công nghệ quản lý và truyền thông cho các tổ chức hội, như: Website, nhóm Zalo, Fanpage, Viber, phần mềm quản lý hội viên… thành một cổng thống nhất.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp (trái) tặng hoa ông Nguyễn Quang Huy để tri ân hỗ trợ của Công ty Cổ phần Công nghệ Atalink cho doanh nghiệp An Giang

Với hệ thống phần mềm phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động theo hình thức trực tuyến (trị giá 500 triệu đồng trong thời hạn 3 năm), ATALINK sẽ hỗ trợ UBND tỉnh An Giang kiểm soát được toàn bộ thực trạng tình hình phòng, chống dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm trong, ngoài khu công nghiệp theo thời gian thực trên môi trường trực tuyến, theo đúng các tiêu chí của Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG, ngày 27-5-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”.

Phần mềm ATALINK giúp khắc phục được việc triển khai thủ công (2 tuần/lần), dữ liệu rời rạc, dẫn đến việc không thể làm số liệu tổng hợp nhanh (khoảng 1 tuần), khó ra quyết định, khó kiểm soát dịch bệnh kịp thời. Hệ thống giúp khắc phục việc không kiểm soát được theo thời gian thực, dẫn đến phải giãn cách xã hội do thực hiện báo cáo phòng ngừa quá lâu (21 ngày vừa chờ báo cáo, vừa làm số liệu). Đồng thời, rút ngắn được thời gian và chất lượng báo cáo từ các DN. Dự kiến trong 1 ngày, UBND tỉnh có thể có toàn bộ số liệu đã được tổng hợp thống kê tự động.

Khi hình thành hệ thống phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trực tuyến cho các DN trong tỉnh, sẽ giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh An Giang, ban quản lý các khu, cụm công nghiệp chủ động và kiểm soát hoàn toàn các yếu tố nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ các khu công nghiệp cũng như từ các DN khác trên địa bàn.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN