An Giang khẩn trương gỡ khó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

19/07/2023 - 05:38

 - Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh tuy còn thấp nhưng cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước. “UBND tỉnh An Giang ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư đối với kết quả giải ngân cao. Tuy nhiên, có đến 31/37 chủ đầu tư có tỷ lệ thấp hơn bình quân chung của tỉnh, đặc biệt có 12 chủ đầu tư chưa giải ngân. UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương gỡ khó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm, tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư công năm 2023 được giao 8.124 tỷ đồng. Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đến cuối tháng 6 hơn 2.466 tỷ đồng, đạt 30,36%. So với tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của cả nước là 28,11% thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn 2,25%. Có 31/37 chủ đầu tư có tỷ lệ thấp hơn bình quân chung của tỉnh (gồm 22 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố).

“Đề nghị 31 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh, nhất là 12 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân trong 6 tháng đầu năm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương rà soát, đánh giá các nguyên nhân, đề ra các giải pháp thực hiện quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, để giải ngân hết chỉ tiêu vốn đã bố trí; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2023” - đồng chí Lê Văn Phước đề nghị.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sử dụng vốn đầu tư công

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm cho biết: Giải ngân chưa đạt yêu cầu do nhiều nguyên nhân: Các dự án khởi công mới đang hoàn chỉnh thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, nhất là những dự án có vốn lớn mất thời gian từ 3 - 6 tháng. Khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là nút thắt lớn nhất trong triển khai thực hiện các dự án, nhất là lĩnh vực giao thông và nông nghiệp có kế hoạch vốn lớn. Ngoài ra, cần phải điều chỉnh thủ tục dự án...

“Cái khó lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng đối với 3 dự án lớn là sân vận động tỉnh; Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục - Thể thao tỉnh và hạ tầng công nghệ thông tin. Vướng Quyết định 22/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc bồi thường cây trồng, vật nuôi có hiệu lực từ ngày 15/6. Thay vì trước đây, hội đồng bồi thường chỉ đo cây trồng về chiều cao, kích thước rồi áp giá bồi thường, nhưng quyết định mới phải có “bác sĩ cây trồng” xác định xem là cây gì, đang ở giai đoạn nào, rồi tham mưu UBND tỉnh ký và phải chịu trách nhiệm” - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang Trần Minh Đức chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước tuyên dương 6 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao (Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường; Đài Phát thanh -Truyền hình An Giang; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TX. Tân Châu; huyện Thoại Sơn). Đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn so tỷ lệ bình quân chung của tỉnh, đồng chí Lê Văn Phước đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm; tổ chức ngay cuộc họp đánh giá nguyên nhân, đề ra giải pháp hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu đặt ra là tỷ lệ giải ngân đạt từ 95% trở lên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư trong chỉ đạo, điều hành cần quyết liệt hơn; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị 08/CT-UBND của UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm và tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án thường xuyên kiểm tra, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh.

Đồng chí Lê Văn Phước đề nghị, cần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Tiếp tục xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí xem xét đánh giá, đề bạt cán bộ, khen thưởng các chủ đầu tư hoàn thành tốt kế hoạch và phê bình các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp. Người đứng đầu các sở, ban, ngành tỉnh và chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố trực tiếp lãnh, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.

Các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện thủ tục, giải ngân từng dự án, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đảm bảo triển khai thủ tục đầu tư xây dựng các dự án đúng kế hoạch đề ra. Kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý nghiêm nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, các cá nhân, đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Việc thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư phải theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng, không để dồn thanh toán vào cuối quý, cuối năm; không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, dự án còn thiếu vốn...

HẠNH CHÂU