An Giang khẩn trương ứng phó dịch bệnh COVID-19

19/07/2021 - 07:07

 - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tỉnh triển khai các biện pháp mạnh để ứng phó, trong đó giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở nhiều địa phương. Tranh thủ “thời gian vàng” những ngày giãn cách xã hội để tập trung ngăn chặn, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch; không để tiềm ẩn F0 trong cộng đồng gây lây lan dịch bệnh.

Tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch

Tranh thủ “thời gian vàng”

Gần 1 tuần lễ sau khi triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành và nhân dân ở 9 địa phương (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu và các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới) chấp hành nghiêm quy định giãn cách để phòng, chống dịch bệnh.

Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang; làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ; tích cực khai báo y tế tự nguyện. Tạm dừng tất cả các loại hình vui chơi, giải trí, kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ và phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các địa phương khẩn trương phối hợp ngành y tế và các đơn vị liên quan tận dụng triệt để “thời gian vàng” tập trung ngăn chặn, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch hiệu quả, dứt khoát; không để tiềm ẩn F0 trong cộng đồng gây lây lan dịch bệnh; các địa phương có ổ dịch đang được kiểm soát phải truy vết thần tốc, khoanh vùng và dập dịch triệt để.

Tại cuộc họp trực tuyến với 12 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Khoanh hẹp mà chặt thì chống dịch vất vả, nhưng kinh tế đỡ thiệt hại. Khoanh rộng mà chặt thì chống dịch đỡ vất vả nhưng ảnh hưởng đến kinh tế nhiều hơn. Nhưng nếu khoanh không chặt thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, đã khoanh thì phải chặt. Sau khi đã khoanh vùng, phải điều chỉnh truy vết, xét nghiệm phù hợp, khẩn trương dập dịch”…

Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các tỉnh có đường biên giới (trong đó có An Giang) đã làm rất tốt việc kiểm soát biên giới, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Nhưng tình hình chống dịch hiện nay phức tạp hơn chống giặc (do dịch bệnh vô hình, không biết ở đâu, tấn công lúc nào), lại thêm có rất nhiều người về từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch… nên phải tăng cường kiểm soát không để sót lọt.

Chiến lược phù hợp

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các địa phương khẩn trương khoanh vùng ngay khi phát hiện ca mắc COVID-19 để truy vết, xét nghiệm và đánh giá nguy cơ, sau đó thực hiện phong tỏa hẹp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, nhà với nhà, địa bàn với địa bàn… và yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài.

Bộ Y tế triển khai hướng dẫn mới: giảm thời gian cách ly tập trung từ 21 ngày xuống còn 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh (trừ nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp cách ly theo quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế), tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú thêm 14 ngày…

Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về công tác xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, trong đó hướng dẫn thực hiện cả 2 phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR; thực hiện gộp mẫu theo nhóm, hộ gia đình và thí điểm gộp mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh…

Đến nay, An Giang đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19. Toàn tỉnh tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” (vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế), đẩy mạnh thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để chủ động, sẵn sàng đáp ứng nhanh, không để dịch bệnh lây lan.

Trong công tác ứng phó dịch bệnh, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm cho các cán bộ lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền. An Giang thành lập 2 Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt nhanh tình huống, đánh giá tình hình dịch bệnh, báo cáo và tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ đạo tỉnh phương án xử lý… 

UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19… Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang đã có thông báo về thực hiện nghiêm khai báo y tế để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mỗi người dân có trách nhiệm cam kết khai báo y tế; các trường hợp đi về từ nơi có dịch phải khai báo y tế trung thực với chính quyền địa phương hoặc trạm y tế nơi cư trú; thực hiện đầy đủ các quy định của địa phương và Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19… đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm các trường hợp khai báo không trung thực.

HỮU HUYNH

Ngày 15-7, UBND tỉnh An Giang có quyết định công nhận tỉnh An Giang thuộc nhóm địa phương được xác định mức “Nguy cơ cao” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.  Trước đó, ngày 24-6 và 13-7, UBND tỉnh quyết định công nhận huyện An Phú và TP. Châu Đốc thuộc nhóm địa phương được xác định mức “Nguy cơ cao” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.