An Giang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ ngành nông nghiệp

21/04/2022 - 06:58

 - Năm 2022, ngành nông nghiệp An Giang đặt mục tiêu tăng trưởng 2,7%. Quý I, ước tổng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 16.759 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 1,89% so cùng kỳ 2021. Toàn ngành đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Khởi sắc chăn nuôi

Dù giá lúa vẫn duy trì mức khá, nhưng vụ lúa đông xuân 2021-2022, nông dân đối mặt nhiều khó khăn. Cùng với giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng thì tình hình dịch hại cũng phức tạp. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, diện tích nhiễm dịch hại trên lúa trong quý I là 96.147ha, tăng 39.021ha so cùng kỳ 2021. Đáng lưu ý, diện tích nhiễm muỗi hành tăng rất mạnh, lên đến 30.803ha (cùng kỳ không nhiễm), trong đó diện tích nhiễm nhẹ 15.592ha, nhiễm trung bình 6.530ha và nhiễm nặng 8.681ha.

Đối với bênh đạo ôn, diện tích nhiễm 13.366ha (tăng 6.106ha), gồm: Nhiễm nhẹ 13.261ha, nhiễm trung bình 97ha, nhiễm nặng 8ha. Trong khi đó, chuột gây hại 10.576ha (tăng 1.581ha, nhiễm nhẹ 10.541ha, trung bình 35ha); sâu cuốn lá nhiễm 13.103ha (tăng 7.661ha, nhiễm nhẹ 13.008ha, trung bình 95ha); bù lạch nhiễm 5.597ha (tăng 5.515ha,nhiễm nhẹ 5.490ha, trung bình 107ha); rầy nâu nhiễm 8.740ha (tăng 3.622ha; nhiễm nhẹ 8.735ha, trung bình 5ha)…

Ngành chăn nuôi đang phục hồi tốt

Đối với cây lúa vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh xuống giống 229.791ha (giảm 601ha so vụ đông xuân 2020-2021). Đến giữa tháng 4/2022, đã thu hoạch 200.382ha (đạt 87,21%). Do ảnh hưởng dịch hại, năng suất trà đầu đạt 7,17 tấn/ha (cùng kỳ năng suất 7,79 tấn/ha); cả vụ ước đạt 7,6 tấn/ha (giảm 0,09 tấn/ha so vụ đông xuân 2020-2021); sản lượng cả vụ đạt khoảng 1.746.000 tấn (giảm 25.300 tấn). Đối với vụ lúa hè thu 2022, đã xuống giống 85.106/229.373ha, đạt 37% kế hoạch.

Bù đắp cho khó khăn trong sản xuất lúa, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi nên quy mô chăn nuôi tiếp tục ổn định và có xu hướng tăng. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, đàn heo thịt hiện có khoảng 73.000 con, tăng 1.000 con so cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.282 tấn, tăng 700 tấn.

Trong khi đó, đàn trâu, bò hiện có khoảng 65.300 con (tăng 490 con), trong đó đàn bò 63.500 con (tăng 500 con); sản lượng thịt hơi trâu, bò xuất chuồng khoảng 1.920 tấn, tăng 452 tấn. Đàn gia cầm hiện có khoảng 4,8 triệu con (tăng 100.000 con), trong đó đàn gà gần 1,4 triệu con (tăng 50.000 con); sản lượng thịt hơi gia cầm các loại khoảng 2.808 tấn, tăng 53 tấn.

Kỳ vọng thủy sản

Những tháng đầu năm, giá bán cá tra nguyên liệu có dấu hiệu khởi sắc, dao động từ 22.500-23.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2021). Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, diện tích nuôi hiện nay hầu hết là vùng nuôi của các doanh nghiệp (DN) theo chu trình sản xuất khép kín nên vẫn đảm bảo có lợi nhuận, quy mô nuôi tăng. Ước tổng sản lượng thu hoạch các loại thủy sản quý I/2022 khoảng 132.500 tấn, tăng 8.200 tấn so cùng kỳ 2021. Trong đó, sản lượng cá tra khoảng 117.600 tấn (tăng 7.320 tấn), các loại cá khác khoảng 14.600 tấn (tăng 840 tấn). Nhờ nhu cầu con giống tiêu thụ trong và ngoài tỉnh luôn ổn định, số lượng con giống cá tra sản xuất quý I đạt 490 triệu con, tăng 35 triệu con so cùng kỳ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, quý I/2022, sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Diện tích xuống giống và năng suất lúa giảm nhẹ, nhưng gieo trồng rau màu, chăn nuôi và thủy sản có dấu hiệu khởi sắc, đảm bảo ổn định nhu cầu lương thực, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2022. Ước tổng giá trị sản xuất của khu vực nông, lâm, thủy sản quý I/2022 đạt khoảng 16.759 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 1,89% (tương đương 311 tỷ đồng) so cùng kỳ 2021.

Toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phù hợp nhu cầu thực tế của thị trường, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, bền vững. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp luôn chú trọng công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi; dự báo, phòng, chống thiên tai, dịch hại; tiêm phòng để đảm bảo phát triển ổn định, hỗ trợ thiết thực cho nông dân.

Để triển khai tốt nhiệm vụ quý II, ngày 1/4/2022, Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực trồng trọt vụ hè thu 2022. Trong đó, lưu ý các địa phương khi triển khai xuống giống hè thu, phải đảm bảo khung lịch thời vụ theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, không được kéo dài thời gian xuống giống (dễ gia tăng dịch bệnh).

Đối với cây lúa, tổng diện tích có liên kết sản xuất và tiêu thụ là 194.462ha, chiếm 85,11% diện tích xuống giống vụ hè thu 2022. Với diện tích còn lại, cần tiếp tục kết nối DN tiêu thụ cho nông dân, đặc biệt là 2 đợt cao điểm thu hoạch: Đợt 1 từ ngày 15/7 đến 29/7, thu hoạch khoảng 280.000 tấn; đợt 2 từ ngày 4/8 đến 18/8, thu hoạch khoảng 340.000 tấn.

Đối với cây ăn trái, tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết theo hướng thành lập hợp tác xã có sự tham gia của DN, liên kết xây dựng vùng chuyên canh với các DN, tập đoàn, như: Lộc Trời, Lefarm, Nafoods, T&T, Lavifood, Phước Phúc Vinh, Chánh Thu, Hoàng Phan, Kim Nhung, Cát Tường…

Để đạt tốc độ tăng trưởng năm 2022 là 2,7%, ngành nông nghiệp cần tăng đều cả 3 lĩnh vực. Đối với thủy sản, tăng sản lượng cá tra, cá giống và các loại cá có giá trị kinh tế khác. Đối với trồng trọt, chủ yếu tăng lúa chất lượng cao và cây ăn trái đã trồng từ những năm trước. Đối với chăn nuôi, tăng mạnh chăn nuôi heo thịt và gà thịt theo hình thức trang trại do các DN đầu tư.

NGÔ CHUẨN