An Giang phát huy phong trào học tập suốt đời

06/11/2023 - 06:09

 - Cuối năm 2022, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt và triển khai nhiều kế hoạch về thực hiện chương trình xây dựng mô hình công dân học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh… nhằm tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng xã hội học tập. Qua đó, mang đến cơ hội học tập cho người dân, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của xã hội.

Những ngày đầu tháng 10, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức lễ phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023”, với chủ đề “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”. Mới đây, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai các kế hoạch của tỉnh về thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2023” cho hơn 250 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành, cán bộ làm công tác khuyến học cấp phường, xã, thị trấn, cấp huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Điều này càng khẳng định sự quyết tâm của tỉnh trong triển khai thực hiện các phong trào, hành động xây dựng xã hội học tập.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Nguyễn Tấn Danh nhận xét: “Cán bộ hội khuyến học là những thầy cô công tác nhiều năm trong ngành giáo dục. Bằng tình thương và trách nhiệm của mình đối với xã hội, chắc chắn sẽ lan tỏa tốt, khích lệ tốt phong trào học tập không chỉ trong trường học, trên giảng đường mà còn tiếp nối cả cuộc đời con người. Qua đó, giúp mỗi công dân có động lực phát triển toàn diện, năng động, sáng tạo, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và làm việc hiệu quả, hướng tới trở thành công dân số, đáp ứng yêu cầu của chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh“.

Kế hoạch 853/KH-UBND về thực hiện chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang” đã xác định rõ mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời trong các tầng lớp Nhân dân, thông qua việc xây dựng và triển khai hiệu quả, nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và hình thành, phát triển mô hình “công dân học tập, đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập.

Trong đó, xác định mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 sẽ có 95% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 85% dòng họ được công nhận là “Dòng họ học tập“. 95% tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận “Đơn vị học tập”. 60% người lao động trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” đạt danh hiệu “Công dân học tập”. 80% cán bộ, công chức, nhân viên trong “Đơn vị học tập” trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu “Công dân học tập“. 55% các huyện được công nhận danh hiệu “Huyện học tập“.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức toàn xã hội, cho người dân học tập suốt đời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, trong các cơ sở giáo dục, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, qua các hội nghị, hội thảo. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm gia đình trong việc giáo dục, hình thành ý thức học tập, cũng như lợi ích của việc học tập cho thế hệ trẻ.

Vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp thúc đẩy việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Cùng với đó, phát triển nguồn lực thông tin, củng cố và nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, trung tâm học tập cộng đồng, thu hút người dân tham gia học nghề, chuyển giao công nghệ, phổ biến khoa học - kỹ thuật nhằm ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các địa phương.

Để các phong trào học tập suốt đời được lan tỏa và đi sâu vào đời sống thực tế, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của chương trình, cần có sự chung tay góp sức, huy động mọi nguồn lực của xã hội. Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Nguyễn Tấn Danh kỳ vọng: “An Giang là tỉnh có dân số đông so với các tỉnh ĐBSCL. Do vậy, nguồn lực đầu tư cho ngành giáo dục, xây dựng xã hội học tập, chăm lo y tế sẽ rất lớn. Bên cạnh sự hỗ trợ từ các nguồn lực, chính sách Nhà nước, cần lắm sự chung tay, góp sức của người dân trong huy động nguồn lực, tạo nguồn học bổng thường xuyên, tăng cường giải pháp tín dụng cho cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay mượn đầu tư cho việc học“.

“Việc Hội Khuyến học tỉnh An Giang ký kết chương trình phối hợp với Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh về đẩy mạnh công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập càng thể hiện quyết tâm cao của tỉnh nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên trong Đảng ủy Khối về ý nghĩa, tầm quan trọng của tinh thần học tập suốt đời. Từ đó, chính mỗi cán bộ, đảng viên sẽ là người tiếp tục lan tỏa và góp sức chăm lo hoạt động giáo dục trong gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng trong thời gian tới“ - ông Nguyễn Tấn Danh nhấn mạnh.

NGỌC GIANG