An Giang phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc

20/07/2022 - 07:47

 - Những năm qua, An Giang triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những đề án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo tiền đề khơi dậy, phát huy vai trò của đồng bào DTTS trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của địa phương.

Tặng nhà Đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc khó khăn về nhà ở

An Giang có trên 1,9 triệu người, với nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc, nhiều công trình kiến trúc độc đáo, văn hóa ẩm thực mang nét riêng, đậm bản sắc văn hóa truyền thống của 4 dân tộc: Kinh, Chăm, Khmer, Hoa. Trong đó, có trên 1,8 triệu người (chiếm 95,15% dân số), kế đến là dân tộc Khmer với gần 75.900 người (chiếm 3,98%), dân tộc Chăm gần 11.200 người (chiếm 0,59%), dân tộc Hoa trên 5.200 người (chiếm 0,27%), còn lại là một số dân tộc khác và người nước ngoài.

Những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và nhà nước, tỉnh quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, các chương trình, chính sách phát huy hiệu quả, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... góp phần chuyển biến tích cực bộ mặt vùng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. 

Trong đầu tư phát triển KTXH, tỉnh luôn quan tâm đến vùng đồng bào DTTS, như đầu tư các cụm tuyến dân cư vượt lũ ở các vùng đồng bào dân tộc nhằm sắp xếp, bố trí cho hộ dân có nơi ở ổn định, kể cả công tác vận động, hỗ trợ cấp nhà cho các đối tượng hộ nghèo được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện, qua đó giúp cho các hộ gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hiểu được chính sách và chủ động thực hiện. Hoạt động tín dụng phục vụ thực hiện chính sách được đảm bảo, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, thời gian qua, An Giang đã giải quyết 6.736 hộ có nhu cầu cần hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn chuyển đổi nghề, với tổng kinh phí gần 118 tỷ đồng.

Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 1.223 hộ, kinh phí trên gần 50 tỷ đồng; hỗ trợ đất sản xuất cho 1.097 hộ, kinh phí gần 29 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 2.158 hộ, kinh phí gần 86 tỷ đồng; hỗ trợ về nước sinh hoạt phân tán cho 2.258 hộ, kinh phí trên 3,3 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi chuyển đổi nghề thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phát vay trên 12 tỷ đồng cho trên 370 hộ dân đồng bào DTTS…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, các chương trình, dự án và chính sách dân tộc được triển khai có hiệu quả; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Công tác xây dựng hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào DTTS được chú trọng; giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS được bảo tồn, phát huy, gắn với phát triển du lịch văn hóa, lễ hội của tỉnh. Đời sống của đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên.

Nhìn chung, các chương trình mục tiêu quốc gia về DTTS và miền núi có ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất - kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển KTXH ở vùng đồng bào DTTS và miền núi thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế, như: Sản xuất của đồng bào DTTS còn nhỏ lẻ, lạc hậu, manh mún, chủ yếu là trồng cây lương thực ngắn ngày, còn hạn chế trong ứng dụng khoa học - công nghệ và liên kết trong sản xuất với kết nối thị trường…

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế nêu trên, giai đoạn 2021-2025, An Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển KTXH, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, liên kết vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS; đưa vùng đồng bào DTTS sớm đạt trình độ phát triển chung của cả tỉnh... 

THU THẢO