An Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng, núi non hùng vĩ, nhiều dân tộc, tôn giáo cùng chung sống lâu đời, tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, các làng nghề thủ công truyền thống, các công trình kiến trúc độc đáo. Sở hữu những cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, An Giang còn có 88 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, khoảng 160 lễ hội truyền thống, nhiều làng nghề và văn hóa ẩm thực đặc sắc.
So với các địa phương khác trong vùng, An Giang có nhiều tiềm năng phát triển DL với lợi thế khác biệt rõ nét về mặt địa hình, khi vừa có đồng bằng và đồi núi. Chính sự khác biệt này là thế mạnh phát triển nhiều sản phẩm DL đa dạng.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp, tỉnh đã và đang đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để thực hiện mục tiêu: Giai đoạn 2021 - 2025 của ngành DL tỉnh là “giữ chân du khách” và phấn đấu đón 42 triệu lượt khách DL; riêng năm 2025, đạt 10 triệu lượt khách, trong đó, khách lưu trú chiếm 30%; tổng doanh thu từ DL khoảng 7.000 tỷ đồng; có thêm ít nhất 1 khu DL văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu DL trọng điểm ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc.
Do đó, tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm DL trọng điểm, phục vụ nhu cầu của du khách, thu hút nhà đầu tư chiến lược… Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại khu, điểm DL. Xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển DL với các địa phương trong nước và quốc tế.
“Ngành DL tỉnh phối hợp chính quyền các địa phương nghiên cứu đa dạng các sản phẩm DL, phát triển các loại hình DL gắn với các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao truyền thống và hiện đại, DL gắn với nghỉ dưỡng…
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, ngành DL tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, văn hóa, ẩm thực, làng nghề truyền thống, các cơ sở dịch vụ phục vụ phát triển DL của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp” - ông Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.
Để xây dựng và làm mới sản phẩm DL, gia tăng những trải nghiệm hoặc tạo ra những phong cách DL mới, thời gian qua, tỉnh phát triển thêm nhiều sản phẩm DL để thu hút du khách, như: Dự án “Làng bè sắc màu trên ngã ba sông Châu Đốc”; trekking núi Cấm; đêm nhạc acoustic trên núi Cấm; biểu diễn dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu...
“Những năm gần đây, huyện Tri Tôn phát huy thế mạnh, tạo điểm nhấn để thu hút đông đảo du khách trong các ngày lễ, Tết với nhiều hoạt động, sản phẩm DL mới kết hợp nét truyền thống của huyện miền núi, như: Hội đua bò Bảy Núi, biểu diễn dù lượn, diều lượn, máy bay mô hình, khinh khí cầu…
Cùng với đó là chương trình văn hóa - nghệ thuật với những điệu múa, nhạc cụ mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, tạo thành không gian lễ hội độc đáo và những sản phẩm DL hấp dẫn” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm chia sẻ.
Tỉnh còn phát triển DL nông nghiệp, với các dịch vụ, như: Homestay, ẩm thực đồng quê, câu cá, bắt chuột đồng, tắm đồng mùa lũ… thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về An Giang vào những ngày cuối tuần, du khách Cao An Lê thích thú khi rời xa chốn đô thành về xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) tận hưởng chuyến DL đồng quê, hái táo, hái sơ-ri, câu cá… và thưởng thức những món ẩm thực miền Tây.
“Em thích cảm giác yên bình, không khí trong lành của quê hương Bác Tôn, thích người dân nơi đây với sự gần gũi, chân chất, nhiệt tình. Những món ăn nơi đây thì đúng “chất” đồng quê, ngon tuyệt”- An Lê hào hứng nói.
Để ngày càng đa dạng các sản phẩm DL nhằm thu hút du khách đến với An Giang trong thời gian tới, ngành DL tỉnh tiếp tục phối hợp các sở, ngành, chính quyền các địa phương, đơn vị quan tâm xây dựng, làm mới các sản phẩm DL, nâng cao chất lượng dịch vụ, có chiến lược thu hút khách DL. Tiếp tục xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu DL tỉnh An Giang và Chiến lược truyền thông thương hiệu DL An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai các chương trình liên kết hợp tác phát triển DL với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
9 tháng của năm 2023, An Giang đón khoảng 7,9 triệu lượt khách (tăng 18% so cùng kỳ, đạt 99% kế hoạch). Trong đó, 260.000 lượt khách lưu trú các khách sạn đạt chuẩn (tăng 37% so cùng kỳ, đạt 87% kế hoạch); lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ 280.000 lượt (tăng 4% so cùng kỳ, đạt 70% kế hoạch); 18.000 lượt khách quốc tế (tăng 350% so cùng kỳ, đạt 150% kế hoạch). Doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 5.400 tỷ đồng (tăng 30% so cùng kỳ, đạt 98% kế hoạch). |
MINH THƯ