An Giang tăng cường quản lý khai thác cát

27/06/2022 - 02:55

 - Thời gian qua, An Giang luôn quan tâm và chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản cát lòng sông. Từ đó, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đang từng bước đi vào nền nếp.

Kể từ ngày Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực cho đến năm 2021, tỉnh đã cấp 16 giấy phép thăm dò và 17 giấy phép khai thác cát sông (tổng số giấy phép khai thác còn hiệu lực và cấp mới từ ngày 1/7/2011 đến 31/12/2021 là 30 giấy phép), trong đó 1 giấy phép được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Từ năm 2015-2020, có 8 khu mỏ cát sông được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản với tổng diện tích hơn 413,43ha, tổng trữ lượng phê duyệt trên 14,1 triệu m3; 9 khu mỏ cát sông được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho 7 doanh nghiệp với tổng diện tích cấp phép 364,2ha, tổng trữ lượng gần 12,22 triệu m3, tổng công suất 4,29 triệu m3/năm. An Giang hiện có 9 khu mỏ có giấy phép khai thác còn hiệu lực với tổng diện tích 440,84ha, tổng trữ lượng gần 19,8 triệu m3, tổng công suất 4,24 triệu m3/năm.

Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát sông được phê duyệt từ ngày 1/7/2011 đến 31/12/2021 là 174,3 tỷ đồng, tổng số tiền đã nộp gần 137 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện cho thuê đất mặt nước đối với 4 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản cát sông tại 5 khu mỏ.

 Khai thác cát trên sông

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, để tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu mỏ, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh giữa địa bàn các tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông; các bãi, vựa, điểm bán vật liệu xây dựng có chứa cát sông.

Từ năm 2015 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, huyện, các tổ kiểm tra cấp xã thường xuyên kiểm tra, tuần tra để phát hiện, xử lý vi phạm. Những nơi xảy ra điểm nóng về khai thác cát sông trái phép, tập trung nhiều phương tiện, UBND cấp xã lập điểm giám sát 24/24. Kết quả đã kiểm tra, xử lý 786 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 6,3 tỷ đồng về hành vi khai thác trái phép và vận chuyển không hóa đơn, nguồn gốc hợp pháp.

Thời gian qua, UBND cấp xã đã tích cực thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp giữa các địa phương có địa giới hành chính giáp ranh, duy trì chốt giám sát tại các điểm nóng có hoạt động khai thác cát trái phép để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Các địa phương có khu vực biên giới phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hạn chế được tình trạng khai thác cát sông không phép, trái phép. Đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến xã đã thể hiện được trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp.

Các đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản đều có dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ được phê duyệt; sử dụng phương tiện hoạt động khai thác đúng vị trí và đúng số hiệu, số lượng theo giấy phép khai thác.

Tuy nhiên, thực trạng thời gian qua, do đặc thù các mỏ cát sông có mặt nước che phủ nên còn tình trạng khai thác chưa đúng theo thiết kế mỏ được duyệt. Sản lượng khai thác thực tế tại các khu mỏ được cấp giấy phép chưa phù hợp với sản lượng theo báo cáo, gây khó khăn trong thống kê trữ lượng và nguy cơ thất thoát tài nguyên. Hoạt động khai thác cát sông ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động khai thác cát trái phép. Nguyên nhân do nguồn khoáng sản cát sông ngày càng khan hiếm, nhưng chưa có vật liệu thay thế để phục vụ cho các công trình, đặc biệt là các công trình cần vật liệu san lấp.

Nhu cầu cát xây dựng dựng rất lớn

Nhằm tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát sông, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương hệ thống giám sát khai thác tài nguyên khoáng sản. Hiện, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông đã lắp đặt thiết bị định vị và giám sát hành trình trên các phương tiện được phép khai thác. Phần mềm giám sát phân quyền truy cập cho các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện nơi có hoạt động khai thác khoáng sản cát sông theo dõi, giám sát hoạt động của các phương tiện được cấp phép.

Tỉnh còn lắp đặt 7 camera giám sát tại các địa bàn có xảy ra hoạt động khai thác cát sông trái phép (TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, huyện An Phú và Chợ Mới) để tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát trái phép. Các sở, ngành phối hợp xây dựng quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu giám sát hoạt động khai thác cát sông.

Tỉnh đã lập và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật khảo sát, đo vẽ chi tiết địa hình đáy sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao, đề xuất giải pháp khai thác hợp lý và khơi thông dòng chảy, hạn chế sạt lở.

Trước tình hình sạt lở đất bờ sông có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến nhiều công trình và đời sống người dân, An Giang đề xuất Chính phủ đầu tư kinh phí và có dự án đánh giá tổng thể các tuyến sông trên toàn khu vực ĐBSCL, để đánh giá việc khai thác cát có ảnh hưởng đến diễn biến dòng chảy, có dẫn đến sạt lở gia tăng và giải pháp hạn chế.

HẠNH CHÂU