An Giang tăng tốc kinh tế cho năm “bản lề” 2024

22/03/2024 - 06:32

 - Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó tăng tốc phát triển kinh tế là động lực dẫn dắt, kéo các lĩnh vực khác cùng “về đích”. Đồng hành cùng quyết tâm của tỉnh, các tập đoàn, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đều nỗ lực thi đua, khai thác thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng.

Phát huy sản phẩm chủ lực

Lúa gạo và cá tra vẫn là 2 ngành hàng chủ lực của An Giang, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu “tỷ USD” của cả nước. Tuy nhiên, trong khi lúa gạo tận dụng được nhu cầu lương thực của thế giới, có bước tăng trưởng ngoạn mục thì cá tra có những rào cản nhất định.

“Năm 2023 là năm khó khăn rất lớn của ngành hàng xuất khẩu cá tra, nhưng với nhận thức “trong nguy có cơ”, Nam Việt đã nỗ lực vượt khó bằng cách đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất (từ khâu nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu), nhanh chóng cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, thu về những kết quả tích cực” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới nhấn mạnh.

Ông Doãn Tới cho biết, bước sang những tháng đầu năm 2024, tín hiệu của thị trường xuất khẩu cá tra tốt dần lên. Đầu tiên là thị trường Trung Quốc, sau thời gian dài nhập hàng “cầm chừng”, đã tăng mua các mặt hàng cá tra để cung cấp cho người dân. Đây là thị trường truyền thống, chiếm thị phần lớn của nhiều DN cá tra Việt Nam.

“Chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu cá tra đi các thị trường đạt 200 triệu USD năm 2024, tăng 10% so cùng kỳ 2023. Bên cạnh xuất khẩu, Nam Việt còn chú trọng thị trường nội địa với 100 triệu dân. Đây là thị trường tiềm năng, tiêu thụ sản phẩm rất đa dạng, từ cá nguyên con, cắt khúc, fillet đến các sản phẩm giá trị gia tăng, như: Chả cá basa, basa thì là, basa tẩm bột, cá tra fillet tẩm gia vị… Thời gian qua, chúng tôi đã kết hợp nhiều DN trong nước, phân phối sản phẩm cá tra ra thị trường nội địa hiệu quả, trong đó có hệ thống Bách Hóa Xanh” - ông Doãn Tới thông tin.

Cùng với ngành hàng cá tra, ngành dệt may, da giày sau thời gian khó khăn đã phục hồi trở lại. Nhiều công ty may mặc, sản xuất giày trên địa bàn tỉnh, thông báo tuyển dụng công nhân với số lượng lớn, đặc biệt tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành), Cụm công nghiệp Phú Hòa (huyện Thoại Sơn)...

Cơ sở nhỏ đột phá

Phần lớn các DN ở An Giang là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Sau đại dịch COVID-19, các DN khắc phục khó khăn, có bước phục hồi nhất định trong năm 2022 và 2023. Xác định năm 2024 là cơ hội để tăng tốc, nên từ trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của DN tiếp tục đi vào quỹ đạo phát triển, dù còn gặp khó do người dân chi tiêu hạn chế và tiết kiệm hơn.

Đối với các doanh nhân trẻ, thanh niên khởi nghiệp, việc khai thác tài nguyên bản địa gắn với tự nhiên, tiêu dùng xanh đang cho thấy nhiều điểm sáng. Điển hình như sản phẩm trà mãng cầu của anh Hồ Thanh Nam (hộ kinh doanh trà mãng cầu Thanh Nam, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn). Có mặt trên thị trường từ năm 2020, sản phẩm dần khẳng định chỗ đứng, được khách hàng tin tưởng nhờ sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chế biến đến các công đoạn sấy, rang và đóng gói.

Trà mãng cầu được làm từ trái mãng cầu, không chứa phẩm màu hay hóa chất nên tốt cho sức khỏe. Anh Nam cho biết, sản phẩm được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm đang có mặt ở thị trường An Giang và TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng… Chàng trai trẻ còn tận dụng các kênh mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube…), các trang thương mại điện tử phổ biến (Shopee, Tiki...) để quảng bá, bán hàng, tiếp cận người tiêu dùng.

Anh Nam cho biết, bình quân mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ 70 - 100kg trà mãng cầu, giá bán 500.000 đồng/kg. “Chính quyền địa phương, các ngành chức năng của huyện, tỉnh thường xuyên có những định hướng, hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị để mở rộng SXKD. Cơ sở đang hợp tác với một đơn vị để sản xuất thêm những sản phẩm trà mới” - anh Nam chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Phước Trung (xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân) cho rằng, các sản phẩm từ trái cà na của gia đình anh có được thị trường tiêu thụ rộng lớn là nhờ sự hỗ trợ của ngành chức năng và địa phương. Anh Trung cho biết, khoảng 6 - 7 năm trước, tận dụng diện tích trồng cà na quanh nhà, anh có ý định làm cà na ngào đường và cà na chua ngọt.

Cách đây 3 năm, sau quá trình “làm đi, làm lại” nhiều lần, anh đã thành công trong việc sản xuất cà na xí muội. Quy trình làm xí muội do anh nghiên cứu theo “bí quyết” riêng, phơi nắng tự nhiên từ 4 - 5 ngày cho ra thành phẩm. Xí muội giữ nguyên vẹn mùi vị của trái cà na, kèm theo vị mặn vừa phải, là món “ăn chơi” đang được thị trường đón nhận; được UBND huyện Phú Tân công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Các sản phẩm của anh Trung được đóng gói loại túi 400gr và 500gr, hút chân không và bảo quản trong tủ đông nên có thời gian sử dụng khoảng 3 tháng. Với giá bán 50.000 đồng/túi, mức tiêu thụ bình quân mỗi tháng 500kg sản phẩm các loại. “Địa phương đã hỗ trợ tích cực trong việc tư vấn, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP. Chúng tôi còn được hỗ trợ máy hút chân không theo chương trình khuyến công; được quảng bá, giới thiệu sản phẩm… nên hoạt động SXKD dần ổn định. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thêm máy sấy để nâng cao chất lượng sản phẩm” - anh Trung cho biết.

Tìm lối đi mới

Từ lâu, bánh hạnh nhân Tiến Anh là sản phẩm nổi tiếng của huyện Chợ Mới. Sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Giám đốc Công ty TNHH SXTM Tiến Anh Trần Lê Hùng cho biết, sản lượng tiêu thụ hiện khá ổn định, với khoảng 20 tấn sản phẩm/tháng.

Ông Hùng cho biết, năm 2024, công ty tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để tìm kiếm và mở rộng thị trường. “Công ty đang nghiên cứu xuất khẩu sản phẩm. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng của tỉnh tiếp sức, kết nối với các DN, đối tác nước ngoài đưa sản phẩm bánh hạnh nhân Tiến Anh tiếp cận thị trường quốc tế, để có thêm sản phẩm An Giang tham gia sân chơi lớn” - ông Hùng kỳ vọng.

Với 2 bạn trẻ Bùi Thị Anh Thư và Đặng Phạm Mạnh Quỳnh (TP. Long Xuyên), mật ong từ rừng tràm Trà Sư là nguồn tài nguyên bản địa nhiều triển vọng. Lựa chọn mật ong rừng làm hướng khởi nghiệp, sản phẩm Trà Sư Honey của Thư và Quỳnh đang được người tiêu dùng đón nhận, phản hồi tích cực.

Anh Thư cho biết, ưu điểm của sản phẩm là có nguồn nguyên liệu được khai thác tại rừng tràm Trà Sư, xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm được kiểm tra chất lượng định kỳ; được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. “Sản phẩm 100% là hữu cơ sạch, không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm kháng sinh, không pha trộn tạp chất, mật ong có hương vị đặc trưng của hoa tràm” - Thư chia sẻ.

Sản phẩm Trà Sư Honey đang có mặt trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, như: TikTok, Shopee, Lazada, Tiki,  Facebook... Đồng thời, được bán lẻ trên toàn quốc thông qua kênh vận chuyển giao hàng nhanh; phân phối qua các đại lý ở nhiều tỉnh: Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh... Sản phẩm được đóng chai, thể tích 100ml, 350ml, 500ml; giá bán  từ 68.000 - 230.000 đồng/chai.

Thời gian tới, Anh Thư và Mạnh Quỳnh sẽ phát triển hình ảnh thương hiệu đi kèm chất lượng, gắn liền với địa phương. Hai bạn trẻ còn hướng đến phát triển hệ thống du lịch, tham quan trải nghiệm và tạo hệ sinh thái rừng. Theo đó, khách hàng vừa có thể tham quan, vừa trải nghiệm thu hoạch mật ong tại chỗ. Mỗi khách tham quan có thể tự tay trồng cây tràm để vừa tạo thêm nguồn thức ăn cho ong, vừa góp phần phủ xanh tán rừng.

Tận dụng thời cơ

Dù thời điểm thu hoạch lúa đông xuân 2023 - 2024, giá lúa có lúc giảm nhưng nhìn chung, nhu cầu lương thực thế giới vẫn rất lớn. Với vị trí đứng thứ 2 cả nước về sản lượng lúa (sau tỉnh Kiên Giang), ngành hàng lúa gạo của An Giang đang có nhiều thời cơ phát triển. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, qua Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cho thấy có rất nhiều tín hiệu lạc quan, nhiều triển vọng cho hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024

Đến nay, lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia (Ấn Độ, Nga, UAE) tiếp tục được duy trì; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Trong khi đó, hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo trên thế giới. “Đây là thời cơ vàng cho các DN tham gia xuất khẩu gạo của An Giang nói riêng, Việt Nam nói chung. Việc tận dụng cơ hội sao cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm” - ông Nguyễn Minh Hùng phân tích.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho rằng, Châu Á sẽ tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất, tiếp đến là Châu Phi và Châu Âu. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 38 DN tham gia xuất khẩu gạo, trong đó 18 DN trong tỉnh và 20 DN ngoài tỉnh (có kho chứa, cơ sở xay cát đặt trên địa bàn An Giang). Ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã trúng gói thầu 65.000 tấn gạo của Indonesia. DN đang tập trung nguồn lực để kịp giao hàng cho hợp đồng này.

Trước diễn biến của tình hình xuất khẩu gạo, Sở Công Thương khuyến khích DN tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP, ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó có quy định việc thu mua lúa, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.

Các DN thường xuyên theo dõi sát tình hình thị trường; chủ động phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời thông tin các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cung ứng, lưu thông lúa, gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, tỉnh sẽ tập trung giải pháp để triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tăng cường xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị mới, chuỗi sản xuất tuần hoàn; thực hiện các giải pháp kích cầu nội địa, kích thích tiêu dùng, hỗ trợ các DN phân phối nguồn hàng; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích DN chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển theo hướng bền vững.

 

NGÔ CHUẨN - MINH HIỂN - ĐỨC TOÀN