An Giang tăng trưởng kinh tế vượt kịch bản đề ra

06/10/2022 - 07:13

 - Từ đầu năm đến nay, kinh tế - xã hội (KTXH) của An Giang phục hồi mạnh mẽ. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 6,47%, vượt kịch bản tăng trưởng đã đề ra là 5,28%, tăng hơn rất nhiều so mức tăng của cùng kỳ năm trước (9 tháng của năm 2021, GRDP chỉ tăng 1,6%)” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

Tất cả các khu vực đều tăng trưởng cao hơn so kịch bản (nông, lâm, thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,95%; thương mại - dịch vụ tăng 8,41%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,96%); cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là an ninh biên giới được đảm bảo.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi.

Tổng sản lượng thu hoạch các loại thủy sản đạt 363.7000 tấn, tăng 6,95% (tương đương 23.600 tấn) so cùng kỳ, trong đó sản lượng cá tra đạt 303.400 tấn, tăng 7,78%. Hiện giá bán cá tra nguyên liệu từ 29.000-32.000 đồng/kg, tăng từ 8.000-10.000 đồng/kg so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng 489.700ha lúa và hoa màu, tổng sản lượng lúa đạt hơn 3,04 triệu tấn.

Khánh thành Nhà máy Công nghệ may mặc Spectre An Giang vốn đầu tư gần 11 triệu USD tại Khu công nghiệp Bình Hòa

Nhiều dự án đầu tư trọng điểm phục vụ hoàn thiện kết cấu hạ tầng như: Bệnh viện Sản Nhi (khối Nhi), kiểm soát lũ vùng Tây sông Hậu, tuyến tránh TP. Long Xuyên, tuyến nối Quốc lộ 91, Tỉnh lộ 949, tuyến đường liên kết vùng nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp... Đặc biệt, tỉnh đã dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đối ứng thực hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Sản xuất công nghiệp từng bước được khôi phục mạnh mẽ. Các gói hỗ trợ của Chính phủ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) đã tạo nhiều tác động tích cực, các doanh nghiệp (DN) nhanh chóng trở lại sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng của năm 2022 tăng 9,57% so cùng kỳ 2021.

Hoạt động thương mại nhộn nhịp trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trên 15% so cùng kỳ. Du lịch khởi sắc, An Giang thu hút hơn 6,7 triệu lượt khách tham quan, du lịch (tăng 105%). Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.150 tỷ đồng, tăng 94% so cùng kỳ 2021 và đạt 148% kế hoạch năm 2022.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, đạt kim ngạch trên 857 triệu USD, tăng 11,56% so cùng kỳ và đạt 74,2% kế hoạch năm 2022. Tỉnh có 219 DN tái hoạt động, 705 DN đăng ký mới và 714 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động, cao gấp 3,8 lần số DN và đơn vị trực thuộc rút lui khỏi thị trường.

 Từ đầu năm đến nay, An Giang tiếp nhận 46 dự án đầu tư đăng ký mới, đã phê duyệt 9 dự án với tổng vốn đầu tư 860 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước nước đạt 5.883 tỷ đồng, đạt trên  95% dự toán giao. Dịch bệnh được kiểm soát tốt; học sinh đã trở lại trường học; hoạt động đời sống văn hóa - xã hội đã trở lại bình thường...

“Với những kết quả đạt được trên, là cơ hội tốt để thực hiện đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,2% của năm 2022. Tuy nhiên, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị.

Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn qua 9 tháng và dự báo tình hình thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị, trong 3 tháng cuối năm 2022, toàn hệ thống chính trị cần quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Căn cứ những nhiệm vụ trọng tâm theo kịch bản điều hành phát triển KTXH và diễn biến tình hình thực tế, các sở, ngành, địa phương rà soát, bổ sung những giải pháp hiệu quả hơn, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, tập trung triển khai các nội dung, hoạt động, sự kiện lớn của tỉnh; nhất là lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang; chuẩn bị chu đáo nội dung phục vụ kỳ họp cuối năm 2022 của HĐND tỉnh. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; kiểm tra chống hàng gian, hàng giả…

Ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu triển khai tốt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; thường xuyên rà soát công tác chuẩn bị hội nghị xúc tiến đầu tư, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư của DN.

Đồng thời, tập trung kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình trọng điểm của năm 2022; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn giao. Để tạo động lực thúc đẩy DN phát triển, ngành ngân hàng nghiên cứu tinh giảm lãi suất cho vay, tiếp sức cho nền kinh tế, trong đó cần ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình giao Sở Giao thông vận tải tăng cường phối hợp, làm việc với các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đầu tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông trọng yếu. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung phòng, chống sạt lở, thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy...

HẠNH CHÂU