Những mối nguy hiểm
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Tri Tôn xảy ra 4 vụ cháy thì có 3 vụ liên quan đến rừng. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ cháy tại khu vực rừng tràm Bình Minh (xã Tà Đảnh), tổng diện tích đám cháy lên đến 32.000m2. Dù được khống chế, dập tắt kịp thời nhưng cây tràm trên diện tích cháy bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, còn có 2ha rừng tràm đến chu kỳ khai thác cũng bị ảnh hưởng.
Một vụ cháy khác cũng liên quan đến tràm xảy ra tại diện tích rừng tràm của Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư MPA ở ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Gia), ước thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Riêng trường hợp vụ cháy thuộc phạm vi đất lâm nghiệp ở xã Châu Lăng, tổng diện tích đám cháy khoảng 400m2, nhưng được xử lý kịp thời, không gây thiệt hại rừng.
Có thể thấy, tình trạng cháy rừng mùa khô năm nay diễn biến phức tạp hơn năm ngoái. Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích 5,79ha. Trong đó, khu vực rừng đồi núi xảy ra 9 vụ, diện tích 0,79ha.
Nhờ lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh (chủ rừng) phát hiện, xử lý kịp thời nên không gây thiệt hại đến rừng. Đối với khu vực rừng tràm đồng bằng, xảy ra 3 vụ, diện tích 5ha. Do được lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm và chủ rừng phát hiện kịp thời, tập trung xử lý nên chỉ thiệt hại 1,95ha rừng tràm, một số cây trồng ăn trái (xoài, dừa, chuối) trên khu vực đê bao.
Theo Quyết định 185/QĐ-UBND, ngày 21/2/2023 của UBND tỉnh về công bố hiện trạng rừng tỉnh An Giang đến ngày 31/12/2022, diện tích đất có rừng của tỉnh là 13.906,9ha (1.117,5ha rừng tự nhiên và 12.789,4ha rừng trồng); diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ độ che phủ toàn tỉnh là 13.007,7ha, tỷ lệ độ che phủ 3,68%.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trần Phú Hòa cho biết, cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh An Giang đều đang ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. “Thời tiết khô, hạn, kiệt kéo dài có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng, tốc độ lửa lan tràn rất nhanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn là rất cao, đặc biệt là các khu vực rừng tràm trên địa bàn tỉnh”- ông Hòa lưu ý.
Ứng trực 24/24 giờ
Ngay từ đầu mùa khô 2022-2023, ngành kiểm lâm cùng các địa phương có rừng đề ra quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Thực hiện Quyết định 738/QĐ-UBND, ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo (BCĐ) và Tổ giúp việc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 đã được kiện toàn; Ban Chỉ huy các huyện, thành phố có rừng cũng được củng cố. Văn phòng Thường trực BCĐ tỉnh (Chi cục Kiểm lâm An Giang) đã tham mưu BCĐ ban hành công văn về tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), gửi UBND các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên và TP. Châu Đốc.
Đối với công tác triển khai kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR năm 2023, cấp tỉnh đã triển khai 2 kế hoạch; cấp huyện 4 kế hoạch; tất cả 24 xã có rừng đều hoàn thành xây dựng và triển khai phương án cấp xã. Đối với các tổ chức có rừng, đã hoàn thành 3 phương án bảo vệ rừng và PCCCR năm 2023.
Chi cục Kiểm lâm An Giang đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kế hoạch kiểm tra trực bảo vệ rừng, PCCCR, trồng rừng thay thế; thực hiện kiểm tra công tác bảo vệ rừng và PCCCR, bố trí dụng cụ PCCCR tại các khu vực trọng điểm; thực hiện kiểm tra an toàn PCCCR mùa khô năm 2023 theo Kế hoạch 678/KH-CAT-PC07, ngày 28/2/2023 của Công an tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng từ tỉnh đến huyện, xã đã phối hợp tuần tra, kiểm tra 106 đợt, tương đương 485 lượt người tham gia. Trong đó, lực lượng kiểm lâm tuần tra phối hợp nội bộ 52 đợt (167 lượt người); phối hợp lực lượng các cấp kiểm tra dụng cụ, phương tiện 9 đợt, tại 67 điểm bố trí. Bắt đầu từ ngày 1/3/2023, lực lượng kiểm lâm PCCCR tại cơ sở thực hiện ứng trực 24/24 giờ, đảm bảo 100% quân số, nhằm ngăn chặn và xử lý sớm các sự cố cháy rừng.
Theo dự báo đến cuối tháng 4, giữa tháng 5/2023, dù mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn nhưng thời tiết phổ biến vẫn còn nắng nóng, khô hanh. Do vậy, bên cạnh tham mưu lãnh đạo tỉnh tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ rừng, PCCCR tại các khu vực trọng điểm, Chi cục Kiểm lâm An Giang sẽ tăng cường bố trí lực lượng xuống các địa bàn, khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện công tác PCCCR; tăng cường dụng cụ, phương tiện phòng cháy ở những khu vực này.
Ngành kiểm lâm tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại các khu vực trọng điểm; lưu ý người dân, khách tham quan không đi vào rừng có nguy cơ cháy, hạn chế đốt nhang, vàng mã để tránh nguy cơ cháy rừng. |
NGÔ CHUẨN