An Giang tập trung cho nhiệm vụ năm 2021

07/01/2021 - 04:09

 - Năm 2020 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng dù không đạt kế hoạch đề ra nhưng là kết quả khá hợp lý trong bối cảnh chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Năm 2021, toàn tỉnh An Giang quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho cả giai đoạn 2021-2025.

An Giang tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp

 

Tận dụng cơ hội

Trải qua 1 năm hoạt động có phần khó khăn do đối phó với dịch bệnh COVID-19, năm 2021 được xem là cơ hội để doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Năm nay, các dự án lớn do các nhà đầu tư triển khai trên địa bàn tỉnh bắt đầu vận hành hoạt động, một số dự án tiếp tục khởi công xây dựng sẽ tạo ra động lực, sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của An Giang, đặc biệt là những dự án trọng điểm trong nông nghiệp của Tập đoàn Tân Long, TH True Milk, Nam Việt...

Năm 2021, tỉnh tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; chương trình phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025. Tỉnh An Giang sẽ rà soát, xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể phù hợp tình hình thực tiễn và tầm nhìn đến năm 2030.

Từ đó, hình thành và phát triển các hệ thống sản xuất, cung ứng giống nông nghiệp, các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô hàng hóa cho từng địa phương theo hướng mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm chủ lực. UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ cho các DN xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ, tiến tới chế biến sản phẩm gần vùng nguyên liệu...

Cùng với phát huy thế mạnh nông nghiệp, An Giang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cùng với đó mời gọi DN đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp ở các địa phương, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu nông sản. An Giang tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn đi vào hoạt động để tăng nhanh sản lượng công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp, tạo đà tăng trưởng cho năm 2021 và các năm tiếp theo.

Xúc tiến sản phẩm An Giang tại Mekong Connect 2020 ở Đồng Tháp

Phát triển thương mại - dịch vụ

Năm 2021 là năm đầu triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (giai đoạn 2021-2025), được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho An Giang nếu triển khai tốt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, tỉnh sẽ tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, đồng thời tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn, du lịch (DL), giáo dục, y tế...

Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp (thuộc tuyến N1); tạo điều kiện tối đa để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên. Đây là những dự án quan trọng, tạo thuận lợi kết nối An Giang với vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 1 năm hoạt động khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, năm 2021, tỉnh sẽ tăng cường triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ DN phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bằng các giải pháp, như: kích cầu tiêu dùng trong tỉnh; tổ chức phiên chợ ẩm thực, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hóa qua biên giới, phát triển kinh tế biên mậu; tăng cường mời gọi nhà đầu tư xây dựng mới các công trình phát triển hạ tầng thương mại… An Giang duy trì, mở rộng quan hệ với các Tham tán thương mại của các nước tại Việt Nam; thiết lập các kênh thông tin với các Tham tán thương mại Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại An Giang. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án nâng cấp cửa khẩu Khánh Bình lên cửa khẩu quốc tế (đường bộ và đường thủy); đề án nâng cấp cửa khẩu đường bộ Vĩnh Xương trở thành cửa khẩu quốc tế đường bộ.

Đối với DL, tỉnh phát triển đồng bộ các loại hình DL tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng; xây dựng mô hình sản phẩm DL sinh thái nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới. Song song đó, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu DL trọng điểm, phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Tỉnh tập trung rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển DL vùng Bảy Núi, đồng thời khai thác đặc trưng riêng của từng địa phương để khai thác DL và hình thành “Mỗi địa phương là một điểm đến”. Bên cạnh đẩy mạnh quảng bá hình ảnh DL và con người An Giang, tỉnh còn tăng cường liên kết vùng, liên kết trong và ngoài nước nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh DL.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho DN là hành động xuyên suốt đã được An Giang tập trung thực hiện những năm qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, cùng với triển khai Đề án phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa một cách toàn diện (về khả năng tiếp cận các nguồn lực, năng lực quản trị, hoạch định chiến lược, ý thức tuân thủ pháp luật…) để nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, triển khai các chính sách ưu đãi, các quy định pháp luật mới nhằm tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn, ưu tiên bố trí vốn nhà nước thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Năm 2021, các sở, ngành chuyên môn được giao nhiệm vụ thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Lãnh đạo tỉnh sẽ đối thoại trực tiếp với DN để lắng nghe đề xuất, kiến nghị, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong triển khai dự án, tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi.

Trên cơ sở dự báo năm 2021 còn chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng “vừa sức”. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 6-6,5%; kim ngạch xuất khẩu 965 triệu USD; thu ngân sách 6.863 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 43,91%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,2%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh là 91%... Tuy vậy, những chỉ tiêu này không hề “nhẹ”, đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm tối đa của cả hệ thống chính trị, DN và người dân.

Năm 2021, An Giang đẩy mạnh công tác quảng bá trang angiangexport.com, tập trung giới thiệu sản phẩm gạo và thủy sản, bản đồ phân phối hàng Việt của tỉnh An Giang. Cùng với duy trì sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh An Giang (sanphamangiang.com), tỉnh hỗ trợ DN kết nối với các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba...

NGÔ CHUẨN