An Giang tập trung hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

26/08/2021 - 06:09

 - Nỗ lực đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động (NLĐ) trong đại dịch COVID-19, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động phối hợp với ngành chức năng khảo sát, nắm bắt tình hình và khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh. Nhiều chính sách đã và đang thực thi góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, giúp NLĐ, người sử dụng lao động được ổn định sản xuất - kinh doanh (SXKD) và đảm bảo đời sống.

Công đoàn hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” để tăng cường chăm lo cho người lao động

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang, thời gian qua, Công đoàn tỉnh phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng phòng, chống dịch, duy trì, khôi phục SXKD và chăm lo hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, hướng dẫn công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nắm bắt dư luận, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ trước tình hình diễn biến của đại dịch; công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp (DN) và các chính sách của DN đối với NLĐ. LĐLĐ tỉnh đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn do dịch COVID-19 để hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời. Tổ hỗ trợ các DN đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thông suốt từ tỉnh đến cơ sở các chính sách quan trọng hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động trong thời điểm này.

Từ khi Tổ công tác hỗ trợ các DN hoạt động, công đoàn tỉnh và huyện thường xuyên trao đổi, phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn đồng cấp (bảo hiểm xã hội, lao động - thương binh và xã hội) để kịp thời hỗ trợ các DN, NLĐ trong thực hiện các thủ tục, vướng mắc khi đề nghị chính sách hỗ trợ. Tính đến ngày 17-8, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, có 1.493 đơn vị với 64.314 NLĐ được giảm đóng tiền bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp, tổng số tiền giảm trên 1,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 56 DN đã và đang xác nhận hồ sơ để hưởng các chính sách khác theo quy định. Đối với mô hình “3 tại chỗ”, công đoàn tỉnh và huyện theo dõi sát tình hình, hướng dẫn các DN thành lập 44 tổ an toàn COVID-19 tại DN. Đồng thời, xuyên suốt đồng hành với DN động viên NLĐ, hỗ trợ hàng hóa, thực phẩm tăng cường cho bữa ăn ca.

Làm việc với Tổ công tác hỗ trợ các DN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú yêu cầu đối với nhóm chính sách có liên quan đến DN, cần tiếp tục phối hợp LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố rà soát, nắm chắc, đầy đủ số lượng các DN chưa thực hiện chi trả lương cho NLĐ nghỉ việc do ảnh hưởng dịch bệnh. Tìm rõ nguyên nhân, nghiên cứu kỹ các quy định của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh để tham mưu giải pháp tháo gỡ.

Yêu cầu LĐLĐ huyện, công đoàn các khu công nghiệp đề nghị UBND và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện cung cấp thông tin các trường hợp F0, F1 là đoàn viên, NLĐ trong các DN (kể cả không có tổ chức công đoàn) để xây dựng kế hoạch hỗ trợ theo quy định của nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam. LĐLĐ cấp huyện phối hợp Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, tổng hợp số lượng lao động tự do thuộc các ngành, nghề nằm trong danh mục được hỗ trợ theo quy định trên địa bàn tỉnh để kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, chính quyền địa phương hỗ trợ.

Cùng với nỗ lực trên, mới đây, LĐLĐ tỉnh ban hành 2 công văn về thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, LĐLĐ quyết định lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn cho DN có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trở lên (trong tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) đến ngày 31-12-2021. Miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên công đoàn tại các đơn vị sự nghiệp, DN có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thời gian thực hiện miễn đóng đoàn phí công đoàn áp dụng từ ngày 1-5 đến 31-12-2021.

Công văn kế tiếp là triển khai các chế độ chính sách cho NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 theo quy định của Chính phủ; phối hợp hướng dẫn vừa cách ly, vừa SXKD tại DN. Theo đó, yêu cầu các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đa dạng bằng nhiều hình thức giúp NLĐ hiểu rõ quyền lợi được hưởng khi DN, người sử dụng lao động vay vốn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công đoàn tuyên truyền cụ thể về điều kiện, các trường hợp NLĐ hưởng lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động; tuyên truyền cụ thể về văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các nội dung vừa cách ly, vừa SXKD để đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch, vừa tiến hành hoạt động SXKD của DN.

MỸ HẠNH