An Giang tập trung tuyên truyền, cổ động cho cuộc bầu cử toàn dân

26/04/2021 - 06:20

 - Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra thành công, thực sự là ngày hội của toàn dân, công tác thông tin tuyên truyền phải được chú trọng đúng mức. Yêu cầu đặt ra là đúng sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và Hội đồng Bầu cử quốc gia, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Việc tuyên truyền gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ của đất nước, bộ, ngành, địa phương, đơn vị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Nhiều hội nghị tập huấn, định hướng tuyên truyền bầu cử được các cấp, ngành tổ chức

Hoàn thành tốt đợt tuyên truyền đầu tiên

Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử được tiến hành từ tháng 1 đến sau khi công bố kết quả bầu cử, chia thành 3 đợt. Đợt 1 từ tháng 1 đến tháng 4-2021; đợt 2 từ tháng 4 đến ngày bầu cử (23-5); đợt 3 sau ngày 23-5. Hiện nay, đợt 1 đã kết thúc, chuyển sang cao điểm đợt 2.

Theo Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền phục vụ công tác bầu cử của tỉnh, trong đợt 1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và đăng tải Đề cương tuyên truyền cuộc bầu cử, tài liệu hỏi - đáp trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh để các địa phương, đơn vị tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến rộng rãi trong nội bộ và nhân dân.

Nội dung tuyên truyền bầu cử được đưa vào nội dung định hướng tuyên truyền hàng tháng cho các cơ quan trong khối tuyên truyền của tỉnh, ban tuyên giáo, tuyên huấn cấp huyện và tương đương, MTTQ, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, cộng tác viên dư luận xã hội của tỉnh… Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội các cấp đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, bài viết phản bác luận điệu xuyên tạc về cuộc bầu cử trên các trang mạng xã hội.

Các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đồng loạt thay banner tuyên truyền, cổ động bầu cử; mở chuyên trang, chuyên mục cập nhật thường xuyên tin, bài liên quan đến bầu cử. Hàng trăm tin, bài, phóng sự ở các loại hình báo chí được sản xuất, đăng tải, phát sóng liên tục. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan bằng panô, áp-phích, băng-rôn, tranh cổ động, bảng điện tử… nơi công cộng và trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị; phát hành tài liệu, bản tin, đĩa, hình ảnh. Sở Tư pháp biên soạn 3 loại tờ bướm tuyên truyền Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các văn bản pháp luật liên quan, in 15.000 tờ phân phối cho các sở, ngành, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp.

Theo đánh giá của ủy ban Bầu cử tỉnh, công tác tuyên truyền được thực hiện đảm bảo quy định, phù hợp điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Qua đó, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Cung cấp thông tin tích cực hướng đến ngày hội toàn dân

Đợt 2 của quá trình tuyên truyền bầu cử ở tỉnh gồm rất nhiều hoạt động trọng tâm. Đó là tổ chức họp báo báo chí công bố các thông tin liên quan đến bầu cử; duy trì, nâng chất chuyên trang, chuyên mục, xuất bản ấn phẩm đặc biệt; thực hiện cầu truyền hình, phát thanh trực tiếp vào ngày bầu cử 23-5; nhắn tin cho thuê bao điện thoại di động nhằm vận động cử tri đi bầu cử; tiếp tục tuyên truyền, cổ động trực quan, triển lãm liên quan đến bầu cử; tổ chức hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao trước, trong và sau bầu cử để phục vụ nhân dân, chú trọng khu vực bầu cử ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời định hướng đấu tranh phản bác những hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch ủy ban Bầu cử tỉnh chỉ đạo: “Để cuộc bầu cử trở thành sự kiện chính trị quan trọng, trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai, đề nghị Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền từ kinh phí được giao, chủ động thực hiện công tác tuyên truyền của mình; họp các thành viên để triển khai phân công phân nhiệm cụ thể, gắn với kiểm tra giám sát”.

Ngày 16-4, trong buổi tập huấn về tuyên truyền bầu cử cho đội ngũ người làm báo phía Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: “Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt việc truyên truyền về bầu cử. Sắp tới, yêu cầu các cơ quan báo chí tăng ít nhất 2 lần so với thời gian qua về thời lượng, tần suất, số lượng tin, bài thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử.

Trong đó, cần tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; nêu bật những thành tựu của Quốc hội và HĐND các cấp qua các thời kỳ; thông tin các quy định về trình tự, thể thức bầu cử, công tác chuẩn bị nhân sự, hiệp thương, tiếp xúc cử tri của người được giới thiệu ứng cử… Bên cạnh đó, báo chí cung cấp những thông tin tích cực, giúp người dân chủ động tham gia bầu cử”.

Không những thế, trong nội dung tuyên truyền, cần tập trung tuyên truyền khách quan, chân thực và đa dạng các nội dung của cuộc bầu cử; không nên giật tít câu view những vấn đề phiến diện, không đúng trọng tâm. Trách nhiệm của cơ quan truyền thông là tuyên truyền quá trình vận động tranh cử của các ứng cử viên phải khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật; tập trung tuyên truyền kết quả bầu cử và không khí dân chủ, đúng pháp luật trong bầu cử, nhất là ý thức tự giác thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của cử tri; tuyên truyền đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, lợi dụng bầu cử để chia rẽ đại đoàn kết dân tộc và chống những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân…

GIA KHÁNH