An Giang thúc đẩy đổi mới sáng tạo nông nghiệp

03/06/2022 - 06:16

 - Nhằm thúc đẩy nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo, An Giang đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, triển khai kế hoạch thực hiện dự án khu vực “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh”, góp phần phát triển nông thôn bền vững.

Cụ thể, tỉnh ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo, tăng hiệu suất canh tác, chất lượng nông sản của 4.200 nông hộ tham gia dự án được cải thiện và bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo và chuỗi giá trị xoài; nâng thu nhập trung bình của nông hộ tham gia dự án tăng lên 15% trong chuỗi giá trị lúa gạo và tăng 20% trong chuỗi giá trị xoài. Có 2.520 nông hộ được áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo thông minh, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 70% doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) được hỗ trợ sẽ cải thiện 3/5 chỉ số: Doanh thu, số lượng khách hàng, các quan hệ kinh doanh được thiết lập, chi phí sản xuất và đầu tư. Ngành hàng tham gia dự án là lúa gạo và xoài. Địa điểm thực hiện tại các huyện: Thoại Sơn, Tri Tôn, Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới, An Phú. Thời gian thực hiện 4 năm (2022-2025).

Đổi mới sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển nông thôn bền vững

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh sẽ thực hiện qua 4 hợp phần cốt lõi liên kết chặt chẽ với nhau: Phát triển hệ thống tìm kiếm, lựa chọn các đổi mới sáng tạo khả thi; tăng cường năng lực các tác nhân để thực hiện đổi mới sáng tạo; thúc đẩy áp dụng đổi mới sáng tạo cho các mô hình kinh doanh nông nghiệp bền vững; tư vấn chính sách và truyền thông để nhân rộng áp dụng đổi mới sáng tạo.

Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và chuỗi giá trị xoài sẽ được thực hiện, bao gồm: Các tiến bộ kỹ thuật, phương pháp canh tác bền vững (như bộ tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững SRP, VietGAP); cải thiện chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm bằng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp và kiểm tra tồn dư hóa chất trong sản phẩm; cải tiến tổ chức sản xuất; giải pháp thị trường; tận dụng phế phụ phẩm làm năng lượng sinh học (từ rơm rạ, trấu, rau, củ, quả dập nát...) theo hướng thân thiện môi trường.

Hay giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ internet vạn vật (IoT) trên quy mô nhỏ (như sáng kiến ứng dụng hệ thống cảnh báo, dự báo thời tiết kết hợp với hỗ trợ ra quyết định cho hộ nông dân, ứng dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng di động để hỗ trợ nông dân quản lý và truy xuất nguồn gốc, tiếp cận thông tin thị trường, bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch điện tử); các khóa học khuyến nông, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức đào tạo trực tuyến và giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững cho vùng và các tiểu vùng.

Để đạt được mục tiêu, tỉnh sẽ đào tạo, tăng cường năng lực cho nông dân và các tổ chức sản xuất, thực hiện chuyển giao các kỹ thuật đổi mới sáng tạo. Qua đó, thúc đẩy liên kết ngang (giữa các hộ nông dân tạo thành cánh đồng sản xuất lớn), liên kết dọc (tăng cường khả năng nông dân tiếp cận được các dịch vụ cung cấp giống chất lượng cao, các dịch vụ sản xuất, tài chính và thị trường).

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, nhằm thúc đẩy áp dụng đổi mới sáng tạo cho các mô hình kinh doanh nông nghiệp bền vững, tỉnh đặt mục tiêu hợp tác chặt chẽ với khối tư nhân để tiếp cận được với các đối tác kinh doanh thương mại. Các mô hình liên kết giữa DN kinh doanh chế biến với các HTX lúa gạo và xoài sẽ được thử nghiệm và đánh giá việc triển khai ứng dụng các kết quả đổi mới sáng tạo.

Các mô hình kinh doanh cho HTX lúa gạo-chủ thể trung tâm trong chuỗi giá trị lúa gạo sẽ được thử nghiệm và đánh giá trong sự liên kết chặt chẽ với các DN. Tỉnh sẽ hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất với khách hàng ở địa phương, khu vực và quốc tế; hỗ trợ thương thảo hợp đồng đối với các sản phẩm có chất lượng. Các DN trong chuỗi giá trị được hỗ trợ, gồm: Các nhà phân phối đầu vào nông nghiệp, thầu máy móc, công ty chế biến lúa gạo và xoài, nhà máy xử lý phế phụ phẩm từ lúa gạo và xoài (rơm rạ, trấu và phế phụ phẩm rau, củ, quả khác).

Cùng với đó, lồng ghép các giải pháp đổi mới sáng tạo vào các chiến lược, chương trình và dự án của quốc gia và địa phương. Như vậy, sẽ tạo ra các mô hình tại chỗ về đa dạng hóa canh tác lúa gạo và nông thôn mới, cũng như tham vấn các cơ quan nhà nước hoàn thiện các chính sách. Qua đó, thúc đẩy hiệu quả đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, trong bối cảnh sự phát triển của khoa học - công nghệ, thay đổi trong nhu cầu thị trường và biến đổi khí hậu hiện nay.

HẠNH CHÂU