An Giang thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030

24/10/2022 - 07:07

 - UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch 650/KH-UBND, ngày 12/10/2022 về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là xây dựng và phát triển văn hóa, con người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với những tác động kinh tế - xã hội (KTXH), thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng... trong tình hình hiện nay.

Làm giàu đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, mục tiêu hướng đến của kế hoạch nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, gắn văn hóa với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực văn hóa có tiềm năng, lợi thế. Xây dựng cơ chế để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

An Giang phấn đấu đến năm 2030, trung tâm hành chính tỉnh đảm bảo đủ các loại hình thiết chế văn hóa, gồm: Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT), Quảng trường tổ chức các sự kiện VHNT đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân trong toàn tỉnh. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp huyện đều có: Trung tâm Văn hóa - Thể thao; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL); Trung tâm VH-TT&DL và Truyền thanh huyện có cơ sở vật chất các thiết chế đảm bảo theo quy định của Bộ VH-TT&DL; 100% đơn vị hành chính cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, điểm sinh hoạt văn hóa.

Phấn đấu 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 50% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 100% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Có 2 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh theo các Công ước của UNESCO, cụ thể là Khu di tích văn hóa Óc Eo và Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của địa phương. Bảo đảm khoảng 85% các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đạt các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đúng theo quy định; 100% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn danh hiệu “Cơ quan văn hóa”, “Đơn vị văn hóa”, “Doanh nghiệp văn hóa” hàng năm. Đồng thời, kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hóa gia đình truyền thống, để xây dựng văn hóa gia đình hiện đại, văn minh.

Phấn đấu hàng năm có tác phẩm, công trình văn hóa, VHNT về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của quê hương An Giang. Xây dựng chương trình sáng tác, nghiên cứu về VHNT tỉnh An Giang trong 100 năm (1930 - 2030) dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về VHNT, thực hành, trình diễn VHNT. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm của tỉnh.  

Thực hiện nhiều giải pháp

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa. Nhất là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững KTXH và hội nhập quốc tế; văn hóa thực sự “đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị”. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tăng cường, đa dạng hóa, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đầu tư phát triển các kênh thông tin đại chúng và truyền thông mới; nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiếp cận thông tin và hưởng thụ VHNT của người dân. Phát huy thành tựu khoa học - công nghệ gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực VHNT nhằm mở rộng khả năng tiếp cận, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng. Chú trọng công tác quản lý thông tin trên mạng internet, mạng xã hội để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh, thiếu niên. Xây dựng hệ thống giải pháp ngăn ngừa các ảnh hưởng, tác động tiêu cực của truyền thông đại chúng và truyền thông mới đến người dân.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, quy định pháp lý. Xây dựng con người trên địa bàn tỉnh An Giang phát triển toàn diện. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển KTXH và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, sản phẩm văn hóa chủ lực, có tiềm năng, lợi thế, như: Nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, du lịch văn hóa...

Chủ động hợp tác, giao lưu về văn hóa. Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực VHNT. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ và chuyển đổi số và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa. Qua đó, nhằm xây dựng và phát triển đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

MINH THƯ

 

Liên kết hữu ích