An Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp

03/02/2023 - 12:01

 - Sáng 3/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngay từ đầu năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã chủ động phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch liên kết, tiêu thụ nông sản, bố trí cơ cấu giống phù hợp với mùa vụ, diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Nhờ đó, ước thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022 của tỉnh đạt 3,16%, vượt kịch bản đề ra (kịch bản đề ra 2,7%).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 3 huyện hoàn thành chương trình nông thôn mới; có 74 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó có 68 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm có thêm 7 xã đạt nông thôn mới nâng cao, lũy kế toàn tỉnh có tổng số 27 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, tạo động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đến nay, An Giang có 74 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, có 54 chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp huyện, xã và xây dựng cổng hoặc kênh cung cấp thông tin, dự báo thị trường nông sản.

Đồng thời, triển khai Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp tục triển khai công tác cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng đạt tiêu chuẩn chất lượng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xuất khẩu.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện xây dựng xã điểm nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Tổ chức lớp đào tạo tập huấn về nâng cao năng lực thực hiện chương trình OCOP cho cán bộ quản lý và chủ thể sản xuất tại các huyện, thị xã, thành phố. Rà soát, vận dụng hiệu quả, linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông thôn mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo cơ chế thông thoáng, thúc đẩy phát triển sản xuất và kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm trao giấy chứng nhận đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

 Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã trao chứng nhận đối với 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của 11 chủ thể kinh tế. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao.

MỸ LINH – TRUNG HIẾU