An Giang tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

23/10/2023 - 22:15

 - Xác định hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) khi đầu tư tại An Giang là thước đo cho sự thành công của tỉnh, với quan điểm “chính quyền kiến tạo, DN đồng hành”, An Giang luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các DN an tâm đầu tư, SXKD. Khi các điểm nghẽn chính về giao thông, nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách được tháo gỡ, DN càng có cơ hội cùng tỉnh bứt phát vươn lên.

Tri ân doanh nghiệp

Với tính cách hào phóng của con người miền Tây, bên cạnh SXKD, các DN trên địa bàn An Giang còn đóng góp thực hiện chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. “Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp hết sức quý báu của doanh nhân, cộng đồng DN trong và ngoài tỉnh đã đồng hành, chia sẻ, cùng với hệ thống chính trị của tỉnh trong công tác phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, cũng như chăm lo đời sống người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Trao Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh An Giang” cho các doanh nghiệp

Vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19 năm 2021, tỉnh đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 ở mức tăng 5,2%. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm chính trị và nỗ lực của cộng đồng DN, năm 2022, An Giang thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra, GRDP tăng 6,87%, vượt mục tiêu 5,2% và cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Kinh tế An Giang tiếp tục phục hồi ấn tượng khi 9 tháng của năm 2023, GRDP ước tăng 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,79%); tổng mức doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 144.770 tỷ đồng, tăng 15,41%; ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt gần 1,04 tỷ USD, tăng 3,02%; đón 7,9 triệu lượt khách du lịch (DL), tăng 18% so cùng kỳ…

Toàn tỉnh hiện có hơn 7.500 DN và 6.000 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 285.000 tỷ đồng. Số DN thành lập tiếp tục tăng cho thấy niềm tin của DN đối với tỉnh.

Hiến kế để phát triển

Là người sáng lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Minh Nguyên (thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới) với thương hiệu trà kim ngân hoa, bác sĩ y học cổ truyền Vũ Minh Tú rất tâm huyết với sản phẩm từ dược liệu thiên nhiên của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm đến được với nhiều người tiêu dùng, DN cần được hỗ trợ trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

“Nhà nước nên có chính sách ưu đãi cho DN nhỏ và vừa tiếp cận khách hàng thông qua hội chợ, kết nối giao thương, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng” - bác sĩ Tú đề xuất.

Doanh nghiệp tham gia họp mặt Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10

Giám đốc Công ty TNHH Thể thao và Du lịch Gogo Travel Đinh Minh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh DN đang phục hồi SXKD, ngành ngân hàng cần tiếp thêm động lực bằng cách tăng hạn mức tín dụng, có chính sách ưu đãi về vốn đối với những ngành khuyến khích đầu tư. “An Giang thu hút đông du khách nhưng thiếu dịch vụ DL để giữ khách qua đêm. Tôi thấy chợ nổi Long Xuyên rất đẹp, độc đáo, còn giữ nét hoang sơ truyền thống. Nếu xây dựng được bến tàu DL để phát huy chợ nổi Long Xuyên, cù lao Ông Hổ, phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ về đêm, tôi tin TP. Long Xuyên sẽ giữ chân được du khách” - ông Tuấn phân tích.

Giám đốc Viettravel chi nhánh Long Xuyên Lý Chấn An đồng tình: “Tôi nghĩ tỉnh cần thành lập ban vận động kêu gọi đầu tư khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, dịch vụ DL để thu hút khách DL nghỉ đêm, tiêu dùng nhiều hơn, chứ không chỉ đến An Giang cúng bái, ăn uống nhẹ rồi về”.

Trong khi đó, Giám đốc cụm khách sạn Victoria Núi Sam - Châu Đốc Phạm Minh Tuấn cho rằng, An Giang hội đủ sắc màu DL, như: Màu xanh lá cây (DL thiên nhiên, như rừng tràm Trà Sư), màu xanh ngọc (DL tâm linh, như Bà Chúa Xứ núi Sam), màu vàng (DL lịch sử văn hóa), chỉ còn thiếu xanh của biển.

“Tôi rất vui khi lãnh đạo tỉnh luôn tìm kiếm thêm nhiều sắc màu DL mới, điển hình như việc sơn màu cho làng bè Châu Đốc. Riêng đối với núi Cấm, như một nàng công chúa ngủ trong rừng chưa được đánh thức. Nếu thu hút được những tập đoàn về đầu tư bài bản, tương tự như TP. Đà Nẵng, núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), núi Cấm sẽ là điểm thu hút rất hấp dẫn” - ông Tuấn đề xuất.

Tháo gỡ điểm nghẽn phát triển 

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc phủ sắc màu cho làng bè Châu Đốc xuất phát từ ý tưởng của đoàn công tác tỉnh khi đi học tập ở Châu Âu, thấy nhiều ngôi nhà truyền thống ở đây được sơn 7 sắc cầu vồng rất đẹp.

“Tỉnh sẽ sắp xếp các bè đậu trật tự, thiết kế hệ thống đèn pha chiếu vào, làm rực rỡ làng bè vào ban đêm, xây dựng bờ kè tạo cảnh quan từ kênh Vĩnh Tế đến quảng trường Châu Đốc, phát triển kinh tế DL đêm khu vực này” - ông Bình chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, An Giang đang tập trung tháo gỡ 3 điểm nghẽn chính về hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho DN, nhà đầu tư phục hồi và phát triển SXKD, mở rộng đầu tư tại tỉnh.

Đối với điểm nghẽn hạ tầng giao thông, cùng với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến N1 và cầu Châu Đốc đang được triển khai thi công, sẽ có thêm các tuyến song song với Quốc lộ 91; nâng các tuyến đường tỉnh thành Quốc lộ 80B, nối từ TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) qua các huyện cù lao của tỉnh An Giang (huyện Chợ Mới, Phú Tân, TX. Tân Châu) lên Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, giáp Vương quốc Campuchia.

“Nhiều DN cho rằng, An Giang có nhiều dư địa phát triển, tiềm năng lớn nhưng xa biển, bị chia cắt sông ngòi, ảnh hưởng thời gian vận chuyển hàng hóa. Khi điều kiện giao thông thuận lợi, nhà đầu tư sẽ quay trở lại” - ông Bình khẳng định.

Đối với điểm nghẽn về nguồn nhân lực, An Giang sẽ tăng cường đào tạo nghề gắn với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của DN. Đồng thời, đề xuất những cơ chế, chính sách ưu tiên để hỗ trợ thủ tục nhanh nhất, nhiều ưu đãi thuận lợi nhất khi DN đầu tư tại tỉnh. “An Giang luôn xác định hiệu quả trong hoạt động SXKD của DN khi đến đầu tư tại tỉnh là thước đo cho sự thành công của tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

“Cộng đồng DN cần xem Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là mái nhà chung, là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa DN hội viên và gắn kết với tỉnh, tích cực tham gia thành viên. Hàng tháng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức cho DN ngồi lại với nhau thông qua buổi “Cà-phê doanh nghiệp” để tương tác, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, các sở, ngành sẽ cùng tham dự để lắng nghe, chia sẻ, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc của DN” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị.

NGÔ CHUẨN