An Giang triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng trong ngành nông nghiệp

23/10/2020 - 06:27

Giai đoạn tới, nông nghiệp An Giang được xác định tiếp tục giữ vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. Khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao giá trị sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, khép kín gắn với doanh nghiệp (DN) theo chuỗi giá trị… là những định hướng lớn mà ngành nông nghiệp tập trung thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chuyển đổi nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu

Nâng cao thu nhập nông dân

Nếu năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 29 triệu đồng/người thì năm 2020, ước tăng lên 49 triệu đồng/người (tăng gần 69%, tương đương 20 triệu đồng). Kết quả này có được một phần nhờ giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân năm 2020 ước đạt 192 triệu đồng/ha, tăng 63 triệu đồng/ha so năm 2015 (tăng 48,84%). Điều này cho thấy, những nỗ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nông nghiệp An Giang vẫn còn những hạn chế nhất định. Một trong những nguyên nhân là do công tác dự báo nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng nông sản vẫn còn hạn chế, việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn khiêm tốn, hạ tầng cho nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dù còn những khó khăn nhất định nhưng An Giang vẫn được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển nông nghiệp. So các địa phương khác, An Giang có lợi thế nguồn nước ngọt phong phú, khí hậu thuận lợi, ít chịu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn. Yêu cầu đặt ra là phải từng bước chuyển tăng trưởng ngành nông nghiệp từ chiều rộng (dựa vào tăng diện tích và sản lượng, cây lúa vẫn chiếm phần lớn) sang tăng trưởng theo chiều sâu (dựa vào tăng giá trị trên cùng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu của thị trường).

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), xác định: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích lúa, tạo giá trị sản xuất cao hơn gắn với nhu cầu thị trường. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, khép kín gắn với DN theo chuỗi giá trị. Trong đó, việc thu hút, hình thành một số DN nông nghiệp đầu tàu dẫn dắt chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh (lúa, cá, rau màu, cây ăn trái) là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện.

Chuyển tăng trưởng theo chiều sâu

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang về nông nghiệp, thời gian tới, rất cần sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội để giải quyết một cách đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng giá trị trên diện tích đất canh tác, tăng hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường. Từ đó, đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp theo trục thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển các ngành hàng có lợi thế dựa trên các trụ cột chính. Trong đó, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, vận dụng linh hoạt nhiều chính sách kết hợp đẩy mạnh hơn nữa thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phải xem DN là đầu tàu, quyết định trong thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và phát triển hàng hóa nông sản có giá trị gia tăng cao trên địa bàn tỉnh.

Ông Lâm cho rằng, cần tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, trọng tâm là phát triển các DN nông nghiệp và các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với các hệ thống phân phối, tiêu thụ trong và ngoài nước.

Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích các DN tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản An Giang…

NGÔ CHUẨN

Cùng với các giải pháp chung, An Giang tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, đào tạo các chuyên gia đầu ngành gắn với từng ngành hàng, lĩnh vực, theo chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên đào tạo đội ngũ quản lý cho phát triển kinh tế hợp tác, đào tạo nông dân thích ứng với yêu cầu sản xuất mới…