An Giang triển khai nhiệm vụ ngành tài nguyên và môi trường năm 2023

23/01/2023 - 08:02

 - Năm 2022, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) An Giang triển khai đảm bảo tiến độ chương trình, kế hoạch quan trọng của ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài nguyên và môi trường năm 2023

Đối với nhiệm vụ được giao, các phòng, đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai từ đầu năm. Các nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và bộ, ngành giao ngoài chương trình công tác đều được triển khai chất lượng. Tổ chức sắp xếp, kiện toàn bộ máy của ngành theo chủ trương của tỉnh, đảm bảo hoạt động hiệu quả. Đến cuối tháng 12/2022, hoàn thành 100/117 đầu nhiệm vụ (đạt 85%); tạm dừng 6 đầu nhiệm vụ và chuyển sang năm 2023 thực hiện 11 đầu nhiệm vụ…

Cùng với những kết quả đạt được, tổng nguồn thu từ lĩnh vực TN&MT đóng góp ngân sách nhà nước hơn 1.909 tỷ đồng, chiếm 30,1% tỷ trọng nguồn thu ngân sách địa phương… “Năm 2022, mặc dù gặp khó khăn, nhưng ngành TN&MT đạt nhiều kết quả phấn khởi. Nhất là nguồn thu từ lĩnh vực TN&MT cao, chiếm hơn 30% ngân sách, nằm ở khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai (đấu giá đất). Đồng thời, ngành triển khai hiệu quả đầu tư công (giải ngân gần 90%), giải quyết trên 240.000 thủ tục hành chính (tăng hơn 15% so năm trước), xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, cơ bản xây dựng xong bản đồ số địa chính”- Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang Nguyễn Trọng Thành phân tích.

Năm 2023, Sở TN&MT An Giang tập trung các nhiệm vụ: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch về quản lý TN&MT. Tham mưu cấp thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai (sửa đổi), triển khai hiệu quả phương án lĩnh vực ngành được tích hợp Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngành và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu TN&MT đồng bộ, thống nhất; đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công trực tuyến.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai hiệu quả cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); chương trình trọng điểm về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất và mời gọi đầu tư công trình, dự án trọng điểm của tỉnh…

Đồng thời, kiểm soát, cảnh báo, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; kiểm soát, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; xây dựng và phát triển mô hình bảo vệ môi trường. Phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ trì tham mưu thủ tục lập dự án mời gọi đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (công suất 1.000 tấn/ngày đêm, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) và Nhà máy xử lý chất rắn sinh hoạt (công suất 200 tấn/ngày đêm, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân).

Lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, tham mưu triển khai phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu… Trung tâm phát triển quỹ đất tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục đất công; xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất áp dụng trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định 59/2018/QĐ-UBND, ngày 20/12/2018 của UBND tỉnh).

Chuẩn bị và triển khai dự án tạo quỹ đất dự trữ tại TP. Long Xuyên theo Chương trình hành động 09-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư dự án, công trình trọng điểm tỉnh giai đoạn 2021-2025. Hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm theo kế hoạch đầu tư công năm 2023 và dự án chuyển tiếp.

Đối với Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường, xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số năm 2023 của Sở TN&MT An Giang; tiếp tục triển khai thực hiện khung đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 ngành TN&MT.

Chủ trì, cùng Chi cục Bảo vệ môi trường cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu môi trường. Thu thập, quản lý và khai thác dữ liệu TN&MT. Theo dõi việc chuyển giao công nghệ cho cấp xã đối với phần mềm VBDLIS thuộc dự án VILG và tham mưu việc khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai cho các sở ngành liên quan.

Đối với Ban Quản lý Dự án hợp tác với Thụy Điển, triển khai nhiệm vụ năm 2023 theo kế hoạch được duyệt của chương trình “Thực hiện Kế hoạch hành động vì một tỉnh An Giang phát triển bền vững” hợp tác với TP. Piteå, Thụy Điển.

“Toàn ngành tập trung kiến tạo khung pháp lý thực hiện hiệu quả Luật Đất đai để quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng chất lượng quan trắc (nhất là kiểm soát chặt chẽ cơ sở xả thải ra môi trường), khai thác cơ sở dữ liệu về đất đai. Quản lý khai thác hiệu quả lĩnh vực khoáng sản để tạo nguồn cung cho các dự án đầu tư xây dựng, tuyến cao tốc và kiểm soát việc khai thác tài nguyên nước. Tăng cường phối hợp giữa hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng TN&MT với Sở TN&MT để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ” - Giám đốc Sở TN&MT An Giang Nguyễn Việt Trí nhấn mạnh.

HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích