An Giang trình diễn phương pháp canh tác 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

12/08/2024 - 11:41

 - Sáng 12/8, tại xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang triển khai mô hình trình diễn vận hành, đánh giá hiệu quả sử dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2024.

Mô hình trình diễn

Trình diễn máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân

Ruộng trình diễn sau khi thực hiện ứng dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân

Ruộng đối chứng sạ dày

Các đại biểu dự hội thảo chia sẻ về mô hình

Nông dân xã Hiệp Xương tham gia ý kiến tại hội thảo

TS Nguyễn Văn Hiếu, chuyên gia Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), chia sẻ với nông dân

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trần Thanh Hiệp; Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo; TS Nguyễn Văn Hiếu, chuyên gia Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI); cán bộ nông nghiệp, 80 nông dân và các hợp tác xã trên địa bàn huyện Phú Tân tham dự.

Các đại biểu và nông dân đã xem trình diễn thực hiện mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải đầu tiên của tỉnh An Giang tại xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân). Mô hình được triển khai 15ha vụ thu đông 2024, ứng dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân, sử dụng giống OM5451, lượng giống gieo sạ 80kg/ha, khoảng cách hàng rộng - hẹp là 40x10cm.

Mô hình trình diễn tại xã Hiệp Xương áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo hướng dẫn của Cục Trồng Trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tương tự mô hình thực hiện trong vụ hè thu 2024 tại Hợp tác xã (HTX) Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ).

Theo TS Nguyễn Văn Hiếu (chuyên gia IRRI), qua sơ kết thu hoạch tại TP. Cần Thơ cho thấy, lượng giống giảm 50%, lượng phân bón giảm 30%, giảm số lần phun và lượng thuốc bảo vệ thực vật (do sạ thưa giúp bộ rễ phát triển tốt, cây ít bệnh). Trong khi đó, năng suất đạt 6,4 tấn/ha, tăng 7% so vùng xung quanh, lợi nhuận tăng lên; giảm từ 2 - 6 tấn khí CO2/ha so ruộng ngoài mô hình.

Sau khi thực hiện mô hình điểm tại xã Hiệp Xương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang sẽ tiếp tục tổ chức các mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải ở các địa phương khác, làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng, triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” trên địa bàn tỉnh An Giang.

NGÔ CHUẨN