An Giang trước thời cơ cách mạng công nghiệp 4.0

09/09/2022 - 07:27

 - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, thậm chí là cách mạng công nghiệp 2.0 còn chưa hoàn tất, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo thêm những tác động và thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, điều này cũng đem đến cơ hội thay đổi cơ bản và sâu rộng trong hoạt động kinh tế - xã hội (KTXH), tạo đột phá để An Giang tăng tốc phát triển.

Cơ hội rộng mở

TS Trương Quang Khải (Học viện Chính trị khu vực IV) cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, An Giang đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt, biến thách thức thành cơ hội, hướng tới phát triển bền vững dựa trên trụ cột nền “kinh tế xanh”.

Theo đó, tỉnh chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trình độ cao, chất lượng cao. Đây sẽ là tiền đề để tỉnh hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, giảm thiểu thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội mới cho Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng thẳng tiến vào các lĩnh vực công nghệ mới, đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua việc tiếp cận xu thế phát triển, từ đó hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới.

Trước tiên, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội cho cơ quan hành chính nhà nước tỉnh An Giang thay đổi cách thức quản lý, tạo tiền đề tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, cải tổ bộ máy hành chính nhà nước theo hướng minh bạch và hiệu quả. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng giúp doanh nghiệp của tỉnh đi tắt đón đầu trong đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ, thành tựu công nghệ của thế giới (trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa) để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả khâu, ngành, lĩnh vực.

An Giang chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh

Nhiều năm qua, An Giang luôn tìm hướng đi đột phá để nền nông nghiệp phát triển bền vững, chú trọng ứng dụng khoa học để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tập trung vào những phân khúc thế mạnh, sản phẩm đặc thù, địa phương từng bước định hình và phát triển thương hiệu mạnh, trong đó có nông sản quốc gia.

Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp ngành nông nghiệp An Giang phát triển theo hướng hiện đại (nhất là chăn nuôi, trồng trọt) với mức tự động hóa và quy chuẩn cao. Các công nghệ mới này có thể áp dụng vào ngành nông nghiệp An Giang, như: Cảm biến, thực phẩm, tự động và kỹ thuật. Bên cạnh đó, sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 về mặt kinh tế tri thức sẽ giúp tỉnh An Giang phát triển nguồn lực con người, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp địa phương khác trong cả nước.

Thay đổi để phát triển

Theo TS Trương Quang Khải, bên cạnh thời cơ lớn, An Giang còn chịu nhiều tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, khi mà sản xuất chủ yếu còn nhỏ lẻ, manh mún; khả năng ứng dụng, hấp thụ công nghệ của nông dân rất hạn chế. Cuộc cách mạng này gây nên sự xáo trộn đối với đời sống xã hội của người lao động trong tỉnh. Đó là nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao đang có xu hướng gia tăng, trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề và trình độ thấp đã giảm.

“Để KTXH phát triển bền vững trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết, tỉnh cần nghiên cứu cơ hội và thách thức liên quan. Từ đó, có những luận cứ khoa học để điều chỉnh chỉ tiêu, thông số kế hoạch phát triển KTXH trung và dài hạn, chương trình đầu tư hạ tầng, trước hết là hệ thống internet, thông tin, truyền thông…

An Giang cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế trên cơ sở lợi thế so sánh của tỉnh, khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính (giữa các thành phố, huyện và thị xã). Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, tỉnh cần tập trung nguồn lực và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng KTXH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết, học tập cơ chế, chính sách hay, hiệu quả ở các tỉnh, thành phố khác, nhất là mô hình xây dựng chính quyền điện tử của TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh để xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho tỉnh An Giang” - TS Trương Quang Khải chia sẻ.

 Ngoài ra, An Giang cần nghiên cứu, đề xuất chủ trương, thể chế và cơ chế, chính sách về quyết định quy hoạch, đầu tư và điều phối phát triển của tỉnh. Trong đó, xây dựng quy định về các lĩnh vực cần có cơ chế điều phối và do các tổ chức quản lý cấp tỉnh đảm nhiệm, như: Quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng lao động, phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh…

Đồng thời, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng; gắn tổ chức sản xuất với chuỗi giá trị liên kết theo hướng liên kết vùng và liên kết với các chuỗi giá trị quốc tế (nhất là đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh) để từng bước nâng cao sức cạnh tranh của từng sản phẩm. Tỉnh cần chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố khác để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, hệ thống quản lý chất lượng, phát triển chuỗi giá trị quy mô lớn có thể cạnh tranh với quốc tế.

Theo TS Trương Quang Khải, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh cấp số nhân, tạo nên tác động rất lớn. Nếu tận dụng tốt cơ hội, tỉnh An Giang có khả năng sớm đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, tỉnh cần thực hiện “tiến trình kép”, vừa tiếp tục giải quyết vấn đề liên quan đến KTXH còn tồn đọng, vừa nhanh chóng tận dụng cơ hội, vượt lên thách thức mới xuất hiện liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


NGÔ CHUẨN