An Giang xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp

02/11/2022 - 05:05

 - Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình vừa ký Kế hoạch 664/KH-UBND, ngày 18/10/2022 về CCHC tỉnh giai đoạn 2022-2025.

An Giang xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

An Giang hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, uy tín, năng lực xứng tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Đặc biệt, hàng năm, duy trì Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố điều hành tốt của cả nước.

Các nội dung CCHC tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), với khâu đột phá “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn”.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu CCHC phải lấy người dân làm trung tâm phục vụ, phải xuất phát từ ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân; lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp và đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, sự hiệu quả của công cuộc CCHC. Đồng thời, CCHC phải gắn với nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, dám nghĩ, dám làm, luôn tư duy sáng tạo, đổi mới; phải mạnh dạn đề xuất những sáng kiến, giải pháp mới, đột phá mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả CCHC tỉnh.

Tỉnh xác định CCHC giai đoạn 2022-2025 tập trung 6 nội dung chính: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Theo đó, quán triệt, triển khai nhiệm vụ cải cách thể chế thật đầy đủ, bám sát quy định của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hành chính của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế địa phương. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong, lề lối làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự phát triển của tỉnh.     

 Trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; trọng tâm là các yếu tố sản xuất, thị trường đất đai, khoa học - công nghệ. Cải cách mạnh mẽ quy định TTHC liên quan đến người dân, DN, TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đổi mới, cải tiến phương thức làm việc, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, hiệu quả hoạt động và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Xây dựng nền công vụ liêm khiết, trách nhiệm, chuẩn mực và thực tài. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm thực hiện theo cơ chế cạnh tranh công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch để thu hút người có đủ đức, đủ tài làm việc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, triển khai thực hiện Đề án An Giang điện tử và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số...

Để hoàn thành các mục tiêu, tỉnh đưa ra các giải pháp thực hiện, như: Tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện CCHC của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, DN và toàn xã hội; bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho CCHC; tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, khoa học và công nghệ trong thực hiện từng nội dung CCHC; thường xuyên theo dõi tình hình, đôn đốc tiến độ thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.

Sở Nội vụ là cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đúng tiến độ. Chủ trì triển khai các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang quyết định các giải pháp tăng cường chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện CCHC. Thẩm định các đề án thí điểm về CCHC do các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ trì tham mưu UBND tỉnh triển khai việc xác định Chỉ số CCHC hàng năm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước...

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích