Tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng
Triển khai chính quyền điện tử
Hiện, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cung cấp đầy đủ thông tin TTHC hành chính của các cơ quan, đơn vị; cung cấp dịch vụ công đáp ứng đầy đủ theo danh mục quy định của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành. Đến nay, đã đồng bộ, tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.207 dịch vụ.
Đồng thời, kết nối, liên thông nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) với trục liên thông quốc gia (NDXP), như: Kết nối, tích hợp dịch vụ công trực tuyến thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua đã được triển khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với Hệ thống thông báo nhà ở hình thành trong tương lai của Bộ Xây dựng. Kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên môi trường thử nghiệm.
Tỉnh đã kết nối API dịch vụ xác minh thông tin công dân trên môi trường thử nghiệm phục vụ việc xử lý TTHC, dịch vụ công trực tuyến; phối hợp Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) kiểm tra an toàn an ninh thông tin hạ tầng máy chủ, ứng dụng kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp quyền triển khai chính thức.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với phần mềm quản lý chuyên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường (phần mềm địa chính 1 cấp tại cấp huyện và tỉnh), Sở Kế hoạch và Đầu tư (phần mềm quản lý hộ kinh doanh cá thể); kết nối liên thông giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với phần mềm, hệ thống quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành, Trung ương thông qua Trục kết nối liên thông quốc gia (NDXP).
Điển hình, kết nối liên thông với phần mềm chuyên ngành Bộ Tư pháp (phần mềm cấp phiếu lý lịch tư pháp, phần mềm hộ tịch: Đăng ký khai sinh), phần mềm chuyên ngành Bộ Tài chính (cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (khai thác cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm xã hội), Bộ Kế hoạch - Đầu tư (kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc (PayGov)...
Về thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tỉnh đã tập huấn nghiệp vụ tiếp nhận, số hóa hồ sơ TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; tập huấn hướng dẫn quy trình nghiệp vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh cho 54 cán bộ, công chức, viên chức. Phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tập huấn cho hơn 300 công chức lãnh đạo văn phòng sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, xã và cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC về nghiệp vụ kiểm soát TTHC và số hóa trong thực hiện TTHC.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số, kế hoạch phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng, triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi số tỉnh, kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế; phát động thi đua phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng gắn với cải cách hành chính năm 2022...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh triển khai thí điểm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại huyện, thị xã, thành phố với 6.517 thành viên. Trong đó, 157 tổ cấp phường/xã với 1.609 thành viên; 731 tổ cấp khóm/ấp với 4.908 thành viên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh: “Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn. Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số được đưa đến người dân để thúc đẩy công nghệ số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền công nghệ số mạnh mẽ hơn”.
Để đẩy nhanh phát triển chính quyền số, UBND tỉnh phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang. Đây là giải pháp trọng tâm đẩy nhanh phát triển chính quyền số, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang Lê Quốc Cường chia sẻ: “Tuy mới triển khai thử nghiệm, nhưng Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh có một số điểm nổi bật, như: Tích hợp các chỉ tiêu, số liệu báo cáo kinh tế - xã hội từ hệ thống LRIS của tỉnh (theo thời gian thực), phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo tỉnh. Kết nối trực tiếp, đồng bộ số liệu lưu trú trên địa bàn tỉnh từ hệ thống quản lý lưu trú trực tuyến. Tích hợp hệ thống camera an ninh các địa phương vào trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh”.
“Trung tâm IOC tỉnh là bước tiến quan trọng, là sự khởi đầu cho một quá trình xây dựng, phát triển lâu dài trong tiến trình phát triển đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số. Trung tâm sẽ là nơi tổng hợp tất cả nguồn thông tin, dữ liệu của tỉnh, được ví như “bộ não số” trong các hoạt động của mô hình chính quyền số và đô thị thông minh của tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
HẠNH CHÂU