An Phú đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản

02/07/2024 - 06:20

Thời gian qua, huyện An Phú (tỉnh An Giang) đẩy mạnh sản xuất cây ăn trái gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm… đạt nhiều kết quả.

Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện An Phú là 17.648ha. Trong đó, lúa 14.000ha, rau màu 1.600ha và cây ăn trái là 2.048ha. Trong đó, diện tích trồng xoài 1.950ha, sản lượng bình quân 40 - 70 tấn/ha/năm; tập trung nhiều nhất ở xã Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái, Phú Hữu, thị trấn Long Bình.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết, huyện chú trọng liên kết sản xuất đảm bảo đầu ra tiêu thụ nông sản. Diện tích cây ăn trái là 2.048ha, chiếm 12% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện. Trong đó, diện tích xoài 1.950ha (1.800ha đang cho trái), ước sản lượng 55.000 tấn/năm. Trong năm 2023, đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ xoài với diện tích 1.166ha với sản lượng khoảng 23.370 tấn.

Thu mua xoài tại Hợp tác xã Nông nghiệp Long Bình

Các doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ, gồm: Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (diện tích liên kết 10ha, sản lượng 200 tấn, xuất sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc); Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan (diện tích 20ha, sản lượng 400 tấn, xuất sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ); Công ty TNHH Thương mại xuất - nhập khẩu Minh Trí (diện tích 27,5ha, sản lượng 600 tấn, xuất sang thị trường Trung Quốc); Công ty TNHH MTV Yến Trang (diện tích 28,5ha, sản lượng 600 tấn, xuất sang thị trường Trung Quốc); Công ty TNHH Hoàng Phát fruit (diện tích 9,7ha, sản lượng 200 tấn, xuất sang Hàn Quốc, New Zealand, Úc); Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Long Bình (diện tích 493,5ha, sản lượng 9.860 tấn, xuất sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc); HTX Nông nghiệp Công nghệ cao DH Fram (diện tích 101,54ha, sản lượng 101,54, xuất sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu)…

Ngoài ra, diện tích 634ha trồng cây ăn trái được cung ứng cho các chợ đầu mối, thương lái... Tại địa bàn huyện An Phú, có khoảng 15 vựa thu mua xoài.

Tổng diện tích được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn huyện là 1.166ha với 62 mã số vùng trồng trên cây xoài keo, cho 10 đơn vị, gồm: HTX Nông nghiệp Long Bình là 40 mã số với diện tích 493,5ha; HTX công nghệ cao DH Farm 2 mã số với diện tích 101,54ha; Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, DN Yên Trang... Hầu hết các đơn vị được cấp mã số vùng trồng được công ty liên kết và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm xoài keo của huyện An Phú.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phùng Thế Vinh cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện về việc sản xuất cây ăn trái gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, cấp mã số vùng trồng nên đạt được những kết quả bước đầu, góp phần đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí, chuyên môn của các sở, ngành giúp huyện thực hiện các cuộc tập huấn, hội thảo chuyên đề về liên kết tiêu thụ, cấp mã số vùng trồng... Tuy nhiên, diện tích sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn còn thấp nên khó ký hợp đồng với DN.

Người dân chưa tiếp cận và kết nối thông tin với các DN để tìm đầu ra cho sản phẩm. HTX, tổ hợp tác chưa phát huy hết vai trò trong liên kết với DN. Giữa người nông dân và DN có hợp đồng ngay từ đầu vụ, nhưng vẫn chưa thỏa thuận được giá bán chung, dẫn đến liên kết đứt gãy.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú tiếp tục thực hiện tốt công tác tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP… cho vùng trồng cây ăn trái tập trung; từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân trong việc canh tác cây ăn trái, hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu.

Tăng cường cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói để giúp cho sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thuận lợi trong việc liên kết tiêu thụ và có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm cây ăn trái của huyện.

Tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho nông dân ghi chép nhật ký cấp mã số vùng trồng, ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Củng cố các HTX, tổ hợp tác và thành lập mới làm đầu mối ký kết với DN để tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ kết nối tiêu thụ, cung cấp danh sách thương lái, DN đến các địa phương, HTX, giúp người dân tiếp cận được đầu ra. Chủ động chuyển đổi số diện tích trồng cây ăn trái, định hướng phát triển vùng sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất với các DN tiêu thụ cây ăn trái.

Bên cạnh đó, củng cố và kiện toàn tổ chức, phát huy hoạt động các “Tổ phản ứng nhanh cấp xã” để giúp nông dân, DN liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hiệu quả, bền vững. Duy trì vùng nguyên liệu được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP với diện tích 374ha và nhân rộng lên 1.500ha, trong đó có diện tích trồng xoài hữu cơ 300ha…

HỮU HUYNH