An Phú tăng cường phối hợp chuyển giao khoa học và công nghệ

09/05/2024 - 01:24

 - Thực hiện chương trình phối hợp, Đảng ủy Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ huyện An Phú xây dựng một số mô hình nông nghiệp, nghiên cứu chế biến đa dạng hóa nông sản, chuyển giao quy trình công nghệ chế biến, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ sản phẩm nông nghiệp…

Năm 2023, Sở KH&CN An Giang hỗ trợ huyện An Phú xây dựng một số mô hình nông nghiệp, như: Khảo nghiệm một số giống đậu phộng triển vọng (giống LDH.09, đậu phộng đen, đậu phộng đỏ…) trên vùng chuyên canh đậu phộng xã Phú Hữu.

Kết quả khảo nghiệm cho thấy giống đậu LDH.09 có năng suất cao nhất (đạt 10,5 tấn/ha) cao hơn giống đối chứng 2 tấn/ha; giống đậu phộng đen cao hơn giống đối chứng 0,3 tấn/ha; giống đậu phộng đỏ năng suất tương đương giống đối chứng (đạt 8,5 tấn/ha); thấp nhất là giống L14 (7,5 tấn/ha). Kết quả bước đầu đã đánh giá được chất lượng giống trong giai đoạn trồng khảo nghiệm, là cơ sở khoa học quan trọng để khuyến cáo nhân rộng mô hình tại địa phương. 

Trung tâm Công nghệ sinh học làm việc với ông Võ Văn Dắt (khóm Hà Bao II, thị trấn Đa Phước), tiếp tục thực hiện dự án “Thử nghiệm mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá trèn bầu tại tỉnh An Giang”.

Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Tổ Thủy sản huyện An Phú phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học khảo sát, dự kiến thực hiện mô hình nuôi ốc bươu thương phẩm tại ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng). Sở KH&CN hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN cơ sở “Nghiên cứu quy trình nuôi ốc bươu thương phẩm sử dụng thức ăn công nghiệp có bổ sung đậu tằm” do Trung tâm Khuyến nông chủ trì. Đồng thời, hỗ trợ thử nghiệm mô hình nhà sấy khô bằng điện năng lượng tại xã Khánh An…

An Phú xuất khẩu lô xoài keo đầu tiên (18 tấn) sang thị trường Hàn Quốc

Trong nghiên cứu chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ rau củ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN hoàn thiện quy trình chế biến một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Sản phẩm xoài keo tại địa phương đã được cấp mã Code xuất khẩu, đạt chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Hiện nay, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ được vận hành. Trên địa bàn huyện, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu chế biến nông sản Gấu Đôi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, định hướng sản phẩm chế biến chính là xoài keo.

Sở KH&CN An Giang phối hợp Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nghiệm thu đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khai thác và sử dụng nguồn nước hợp lý để phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang và vùng phụ cận trong bối cảnh thay đổi của thượng nguồn sông Mekong và biến đổi khí hậu”. UBND huyện An Phú sẽ tiếp nhận  kết quả nghiên cứu khi được Sở KH&CN chuyển giao.

Tại buổi làm việc với Huyện ủy An Phú về kết quả thực hiện Kế hoạch 48/KH-SKHCN-UBND, ngày 24/5/2021 về triển khai chương trình phối hợp, Đảng ủy Sở KH&CN tập trung thảo luận tìm giải pháp phát triển, nhân rộng sản phẩm đặc trưng, như: Sản xuất lúa an toàn sinh học, khô cá, xoài keo…

Theo UBND huyện An Phú, các hộ sản xuất - kinh doanh trên địa bàn huyện phần lớn quy mô nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KH&CN. Cán bộ phụ trách KH&CN cấp huyện, xã đa phần kiêm nhiệm, nên hiệu quả chưa cao.

Thị trường tiêu thụ nông sản luôn bấp bênh, thiếu ổn định, giá nguyên liệu đầu vào của ngành trồng trọt, chăn nuôi luôn ở mức cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân, hạn chế khả năng ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN... Định mức hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN chưa cao, khả năng đối ứng của hộ dân chưa đảm bảo.

Bí thư Huyện ủy An Phú Quách Tố Giang đề nghị Sở KH&CN tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, tăng cường gắn kết thực hiện các nội dung chương trình phối hợp trong thời gian tới.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì phối hợp viện, trường, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao quy trình công nghệ chế biến sản phẩm cho doanh nghiệp, cơ sở; mô hình sản xuất, gắn kết đơn vị tiêu thụ; thiết kế sản phẩm (nhãn, bao bì). Khảo sát hộ sản xuất khô cá thử nghiệm mô hình nhà sấy khô bằng điện năng lượng để nâng cao giá trị sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Tăng cường phối hợp ngành, UBND xã, thị trấn triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả phù hợp trên địa bàn huyện...

Sắp tới, UBND huyện An Phú phối hợp Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp thực hiện bảo hộ nhãn hiệu tập thể, có tổ chức quản lý và tham gia sử dụng, có nhãn bao bì khai thác sử dụng trên thị trường.

Đồng thời, đề nghị Sở KH&CN An Giang thực hiện khảo nghiệm, nghiên cứu, thử nghiệm một số mô hình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiến bộ, hiệu quả, tiềm năng, như: Trồng rau thủy canh (nâng cấp hệ thống điện năng lượng mặt trời, hệ thống che mát tự động, quản lý dinh dưỡng tự động, nhãn hiệu), nuôi cá lăng sông, ương giống lươn, ương giống cá lóc trong bể bạt...

HỮU HUYNH