An toàn lao động trong nông nghiệp

15/09/2023 - 06:52

 - Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cứ 100.000 lao động nông thôn thì có 799 người bị tai nạn về điện, 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc, 1.700 người bị ảnh hưởng sức khỏe do thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… Lao động trong nông nghiệp có nguy cơ mắc tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khá cao, cần được quan tâm và có những giải pháp phòng ngừa.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về mục tiêu bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng, chống bệnh nghề nghiệp, góp phần đạt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Sở LĐ-TB&XH đã trình UBND tỉnh ban hành Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn đến năm 2025 (Quyết định 1052/QD-UBND, ngày 20/5/2022).

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Châu Văn Ly cho biết, mục tiêu tổng quát của chương trình là chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động (NLĐ); bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của chương trình là tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức của NLĐ về ATVSLĐ. Đặc biệt, hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ, ưu tiên người làm việc không theo hợp đồng lao động, làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho nông dân theo phương pháp giáo dục hành động; vận động nông dân đăng ký cam kết đảm bảo ATVSLĐ...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang có những bài viết, các chuyên mục phóng sự về ATVSLĐ trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi sử dụng điện, thuốc BVTV... Ngoài ra, phối hợp với đơn vị chức năng in băng-rôn, cờ phướn, các khẩu hiệu treo trên các trục đường chính, khu vực chợ, siêu thị, bến phà, nơi tập trung đông người...

Sản xuất nông nghệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn và bệnh nghề nghiệp

Những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp đã có nhiều lợi ích to lớn, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nông dân. Tuy nhiên, việc sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, khiến nông dân phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình lao động. Một trong những nguyên nhân khiến xảy ra tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp là do trình độ nhận thức, hiểu biết của nông dân về vấn đề an toàn lao động còn hạn chế.

Nhiều người chủ quan không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi tiếp xúc với thuốc BVTV, vứt vỏ chai, bao chứa thuốc sau khi sử dụng tại đồng ruộng, lượng thuốc BVTV sử dụng không theo tiêu chuẩn đặt ra, vượt mức khuyến cáo. Một số loại máy móc, thiết bị nông nghiệp đưa vào sử dụng thiếu các bộ phận che chắn an toàn, trong khi nhiều NLĐ chưa hiểu rõ và chưa nắm được các nguyên tắc về an toàn trong sử dụng điện và máy móc nông nghiệp. Trong sản xuất, nông dân chủ yếu làm theo thói quen, kinh nghiệm của bản thân và người khác.

Lâu nay, sản xuất nông nghiệp gần như được xem là việc nhà của nông dân nên các tai nạn xảy ra rất khó thống kê. Chính người nông dân cũng không quan tâm, để ý đến những lần bản thân đã gặp tai nạn (nhẹ) hoặc bệnh nghề nghiệp trong quá trình sản xuất.

Để nông dân hạn chế tai nạn, tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức cho họ; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV, hướng dẫn quy trình, nguyên tắc vận hành máy móc, thiết bị đúng cách, đúng liều lượng, thời gian quy định.

Một trong những mục tiêu cụ thể UBND tỉnh An Giang đặt ra trong Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn đến năm 2025 là hàng năm có khoảng 6 làng nghề, 15 hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và có khoảng 50 hội viên nông dân làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ.

Đoàn thể địa phương tổ chức thu gom rác thải nông nghiệp trên đồng ruộng

Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Hoàng Minh Thư cho biết, năm 2022, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 2 lớp tuyên truyền nâng cao kiến thức về ATVSLĐ cho hội viên nông dân của huyện Châu Phú và Phú Tân, có khoảng 400 hội viên tham dự, góp phần nâng cao nhận thức cho NLĐ về ATVSLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Năm 2023, đơn vị tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho nông dân.

Tháng 8 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH An Giang phối hợp Hội Nông dân tỉnh tổ chức mở 2 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TX. Tân Châu và huyện Chợ Mới, chú trọng vào những lao động trực tiếp vận hành máy, thiết bị nông nghiệp, trạm bơm điện, phun thuốc BVTV… Các đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp.

HOÀI ANH