Cục trưởng Cục THADS tỉnh An Giang Lâm Phước Nghĩa chia sẻ, dân vận trong THADS là hoạt động quan trọng, đạt hiệu quả cao, bảo đảm hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đồng thời thực hiện trình tự, thủ tục, quy định trong THADS.
Năm 2022, Chi cục THADS huyện Châu Phú là nhân tố điển hình. Chi cục trưởng THADS huyện Châu Phú Nguyễn Thanh Dũng thông tin, thi hành án rất gay go, phức tạp, mất nhiều thời gian, nhất là khi người phải thi hành án có tài sản lớn, qua nhiều chủ sở hữu, tài sản chưa rõ ràng, tọa lạc ở nhiều nơi... Nhờ kiên trì vận động, thuyết phục nên số đương sự chấp hành án có hiệu lực pháp luật tăng lên, trong đó, hàng chục trường hợp tự nguyện thi hành án.
Cụ thể, ông V.Đ.T, bà H.T.A có trách nhiệm giao lại cho ông N.T.S và bà P.T.D số tiền chuộc đất 450 triệu đồng; ông S. và bà D. trả lại 9.000m2 đất cho phía bên kia. Ngoài ra, ông T. và bà A còn phải thi hành bản án của tòa án, trả cho bà P.T.D.T 208 triệu đồng, cùng lãi suất trả chậm.
Sau khi chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên, quá trình xử lý tài sản gặp khó, do ông T., bà A. đã chuyển nhượng đất cho người khác. Thêm vào đó, đất bị lộn thửa, sai vị trí, hiện trạng sử dụng đất đã có người sử dụng. Qua cơ chế phối hợp các bên, áp dụng công tác dân vận với đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vụ việc được giải quyết suôn sẻ.
Đối với vụ việc có tính chất phức tạp, chấp hành viên được phân công phụ trách giải quyết án nghiên cứu tỉ mỉ, cụ thể tính chất vụ việc, như: Hoàn cảnh, mối quan hệ, đặc điểm nhân thân từng đối tượng liên quan; đánh giá thuận lợi, khó khăn để xây dựng phương án thực hiện.
Đặc biệt, tăng cường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động; tranh thủ tiếng nói của người có uy tín nhằm giúp đối tượng phải thi hành án nhận thức đầy đủ và tự nguyện thi hành án.
Như vụ ông N.V.D, bà B.K.L có trách nhiệm tháo dỡ nhà và vật kiến trúc trả cho ông Q.V.L và một số người khác, diện tích đất trên 300m2. Đương sự cho rằng bản án của tòa thiên vị, không khách quan nên không chịu thi hành án. Chấp hành viên vận động, thuyết phục từ khâu tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và trong suốt quá trình tổ chức thi hành án, nhưng chỉ ở mức “chuyển biến tốt”. Sau đó, nhờ phối hợp địa phương, người có uy tín nơi cư trú của đối tượng, gặp gỡ vận động, thuyết phục nên vụ việc được giải quyết.
Phát huy sức mạnh tổng thể trong quan hệ phối hợp và nội lực của đội ngũ chấp hành viên, công chức, nhiều năm qua, cơ quan THADS tỉnh làm tốt công tác dân vận. Đây không chỉ là sự gắn kết quan trọng, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên đương sự trong THADS, hạn chế đáng kể việc khiếu kiện, tố cáo; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng. Trong đó, việc thi hành bản án có hiệu lực pháp luật, đặc biệt tự nguyện thi hành án của đương sự góp phần giảm tiêu hao tiền bạc, thời gian, bảo đảm an ninh trật tự địa phương.
Nhờ đó, năm 2022, ngành giải quyết 18.253 vụ việc (trong đó, số cũ chuyển sang 6.859 việc; số thụ lý mới 11.398 việc, giảm 506 việc so cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền giải quyết trên 4.268 tỷ đồng. Đặc biệt, vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã thi hành 122 việc, thu được gần 103 tỷ đồng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế hơn 6,3 tỷ đồng. Trong năm 2022, ngành nhận 9.715/11.394 bản án, quyết định của tòa án được thi hành án, không có vụ việc chưa ra quyết định thi hành án.
Thời gian tới, cơ quan THADS hai cấp tiếp tục phát huy vai trò dân vận trong THADS, tiếp tục phối hợp và nâng cao hình thức vận dụng, thuyết phục đương sự. Ngành tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành; bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức xã hội cho chấp hành viên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm được giao.
N.R