Bắc Giang: Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đúng hướng, nông dân làm giàu, xuất hiện nhiều tỷ phú

11/10/2020 - 19:34

Đến nay, Bắc Giang đã đạt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra. Để đạt được kết quả này, tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp.

Những điểm sáng vùng chuyên canh

Đến nay, sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang có sự chuyển biến mạnh mẽ từ phương thức sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với việc hình thành, phát triển các thương hiệu sản phẩm và tăng cường chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. 

Toàn tỉnh có 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, 56 sản phẩm nông sản chủ lực và 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.  

Bắc Giang:  Chủ động chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, làm giàu - Ảnh 1.

Thu hoạch búp chè tươi ở huyện Yên Thế, Bắc Giang.

Để nâng cao chất lượng, sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn, chất lượng đồng đều, những năm gần đây, nhiều huyện của Bắc Giang đã chủ động chuyển đổi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở phát huy lợi thế vốn có của địa phương. Nhờ việc chuyển đổi cây trồng đã tạo động lực cho người sản xuất không chỉ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập mà còn đảm bảo khai thác, tận dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. 

Điển hình là mô hình trồng, phát triển cây nhãn ghép giống T6, thực hiện trên địa bàn 5 thôn của xã Đồng Tiến (huyện Yên Thế). 

Đây là dự án do UBND tỉnh Bắc Giang mới phê duyệt nhằm hỗ trợ cho 51 hộ nghèo, hộ cận nghèo trồng, chăm sóc, phát triển cây nhãn ghép giống T6, với diện tích 9,54ha. Các hộ tham gia sẽ được hỗ trợ về giống cây (hộ nghèo 6,6 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo 5,3 triệu đồng/hộ); tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình đã thành công. 

Mục tiêu của dự án là sau 3 năm, các hộ tham gia dự án có thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Huyện Việt Yên cũng đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi 1.349ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm và trồng cây lâu năm, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, trong 5 năm (từ 2021-2025), Việt Yên sẽ chuyển đổi 775ha đất trồng lúa hai vụ; 574ha đất trồng lúa một vụ sang trồng cây hàng năm và trồng cây lâu năm. 

Riêng năm 2019, tổng giá trị sản xuất toàn huyện Việt Yên đạt 8.565 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.458 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng sản xuất đạt 3,1%; giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng...

Tân Yên cũng là một điểm sáng vùng chuyên canh. Những năm gần đây, Tân Yên đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung dựa trên những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện. Đó là vùng trồng lạc giống khoảng 2.700ha/năm, trồng tập trung trên 5 cánh đồng mẫu và 18 vùng có diện tích từ 5ha/vùng trở lên. 

Vùng rau quả thực phẩm có diện tích gần 2.700ha, sản xuất tập trung tại 45 vùng với quy mô từ 5-7ha trở lên; xây dựng, duy trì và mở rộng vùng sản xuất rau đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với 1.200ha, có giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế tăng 20 - 23% so với sản xuất đại trà. 

Ngoài ra, huyện Tân Yên còn xây dựng 24 cánh đồng mẫu, duy trì 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, 37 mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà lưới; hình thành 98 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung... cho hiệu quả kinh tế cao. Vùng rau quả chế biến, sản xuất tập trung tại 33 vùng với diện tích 631ha, sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá trị thu nhập bình quân từ 120 - 150 triệu đồng/ha/vụ. Gần 1.400ha vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: vải sớm, nhãn muộn, bưởi, ổi, vú sữa. 

Trong đó, huyện có nhiều diện tích trồng theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Bắc Giang:  Chủ động chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, làm giàu - Ảnh 2.

Vùng chuyên canh vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đang tạo ra nhiều nông dân tỷ phú.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Bắc Giang. Hiệu quả từ những điểm sáng vùng chuyên canh cho thấy không chỉ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập mà còn bảo đảm khai thác, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.

Xác định nông nghiệp là nghề làm giàu

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là vùng có lợi thế về nông nghiệp, thiên thời, địa lợi, thông thương được với tất cả các thị trường; đa dạng địa hình; có khí hậu thích nghi với nhiều loại cây trồng. 

Các yếu tố này giúp Bắc Giang có lợi thế phát triển nền nông nghiệp đa dạng. Đặc biệt, nông dân Bắc Giang lại thông minh, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới, nên các cấp chính quyền tại địa phương đều xác định phát triển nông nghiệp là then chốt, nông nghiệp là nghề làm giàu, tạo động lực xây dựng nông thôn mới.

Làm giàu từ nông nghiệp Bắc Giang không thể không nhắc tới vùng cây ăn quả ở huyện Lục Ngạn, với diện tích và sản lượng lớn: vải thiều 15.290ha, cây có múi 6.740ha; còn lại là ổi, táo và những cây trồng khác. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn, riêng vải thiều đạt từ 80.000-120.000 tấn. Đặc biệt, năm 2020 là năm đầu tiên vải thiều được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản. Vì vậy, giá trị mang lại từ cây ăn quả rất lớn, góp phần giảm nghèo nhanh, số hộ có thu nhập tiền tỷ liên tục tăng.

Ông Tùng chia sẻ thêm, tỉnh Bắc Giang đạt được những kết quả trên là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cần phải đầu tư bằng chính sách, có cơ chế phù hợp, phát huy lợi thế, thế mạnh từng địa phương, mới đem lại hiệu quả. Đặc biệt, trong điều kiện bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh khó lường, chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững tại địa bàn tỉnh chính là khoa học công nghệ, bằng giống, quy trình chăm sóc, bằng quy trình sản xuất, từ đó tăng giá trị, tăng thu nhập…

Bắc Giang:  Chủ động chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, làm giàu - Ảnh 3.

Vải thiều, một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của ngành nông nghiệp Bắc Giang

Thời gian tới, ông Tùng cho biết tỉnh Bắc Giang tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, hữu cơ, các chế phẩm sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển giao kỹ thuật, quản lý sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Đồng thời, chú trọng mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, chất phụ gia, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản.

Chọn hướng đầu tư nông nghiệp theo công nghệ cao, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát, lựa chọn, định hướng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tương xứng, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Theo MINH HỒNG (Dân Việt)