Được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu thích hợp, chất đất giàu dinh dưỡng, giống nghệ nếp ở Bắc Kạn được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá có hàm lượng Curcumin trong tinh bột nghệ cao nhất trên cả nước.
Vùng nguyên liệu sản xuất tinh bột nghệ Organic tại xã Đôn Phong (Bạch Thông).
Vì vậy, với mong muốn đưa sản phẩm nghệ Bắc Kạn trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh, góp phần đem lại lợi ích, thay đổi đời sống cho bà con đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa tỉnh Bắc Kạn, năm 2016, thông qua Hội Nông dân tỉnh, Công ty CP Nông sản Bắc Kạn đã đặt vấn đề liên kết tiêu thụ toàn bộ đầu ra củ nghệ cho bà con nông dân với điều kiện: Các nông hộ phải trồng nghệ hữu cơ và tuân thủ theo những yêu cầu mà doanh nghiệp đưa ra.
Ông Hà Văn Cường – Giám đốc Công ty CP Nông sản Bắc Kạn cho hay: Hiện công ty đang liên kết sản xuất và bao tiêu đầu ra nghệ và gừng với hơn 300 hộ nông dân tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới, Chợ Đồn và Ngân Sơn, diện tích sản xuất hơn 82ha. Trong đó, năng suất nghệ đạt khoảng hơn 3 tấn/ha.
Để giám sát và quản lý chất lượng vùng nguyên liệu, Công ty thường xuyên cử cán bộ chuyên trách thực hiện theo dõi, giám sát, hướng dẫn bà con làm đúng kỹ thuật.
Tuy nhiên, với vùng nguyên liệu rộng, số hộ dân tham gia chuỗi liên kết ngày càng lớn, trong khi lực lượng cán bộ kỹ thuật của Công ty mỏng, khiến quy trình quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa thật sự chuyên nghiệp.
Sản phẩm tinh bột nghệ của Công ty CP nông sản Bắc Kạn là sản phẩm OCOP 4 sao
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Công ty CP Nông sản Bắc Kạn chia sẻ: Sản phẩm tinh bột nghệ của công ty đều là những sản phẩm phục vụ sức khoẻ cho người nên đòi hỏi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Vì vậy, để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất theo quy trình hữu cơ và được tổ chức Oxfam hỗ trợ, Công ty đã quyết định áp dụng hệ thống GPS vào quá trình hoạt động và thành lập Ban điều phối, với mong muốn quản lý tổ nhóm cũng như giám sát nội bộ, từ đó cho ra những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Theo đó, khi hệ thống PGS đưa vào vận hành, nông dân, doanh nghiệp, khách hàng và cả các cơ quan chuyên môn... đều cùng tham gia vào quá trình giám sát chặt chẽ từ vùng nguyên liệu, thu hái, sơ chế, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.
Với hệ thống PGS, trách nhiệm giữa nông dân và doanh nghiệp cũng được chia sẻ, đảm bảo chất lượng xuyên suốt chuỗi sản phẩm, tạo thuận lợi trong khâu bán hàng và tăng thu nhập cho người nông dân.
Tham gia hệ thống này không chỉ có người sản xuất mà còn có các bên liên quan bao gồm: khách hàng, công ty phân phối, các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác.
Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng. Do đó, hệ thống GPS sẽ đòi hỏi tính trung thực rất lớn của bà con nông dân.
Bà Trần Thị Thanh Bình – Phó Trưởng ban PGS Việt Nam cho biết: Hệ thống PGS thiết lập những tiêu chuẩn cho sản xuất hữu cơ, đây là những tiêu chuẩn tin cậy được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến và được "địa phương hóa" để phù hợp với tình hình đất đai, khí hậu và con người tại từng địa phương.
"PGS đã được nhiều nước trên thế giới như Brazil, Mỹ, Ấn Độ, New Zealand, Nam Phi, Úc cũng như các nước châu Âu, châu Á ủng hộ, vì hệ thống có thể tạo ra cơ chế đảm bảo tin cậy, phù hợp và chi phí hiệu quả mà ở đó người sản xuất có thể đảm bảo sản phẩm hữu cơ của họ tới người tiêu dùng" – bà Bình cho biết thêm.
Sản xuất tinh bột nghệ tại Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn
Đánh giá về tiềm năng phát triển nông nghiệp của Bắc Kạn, ông Hoàng Ngọc Đường – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay: Có thể nói Bắc Kạn có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp. Mới chỉ sau 2 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Bắc Kạn đã có hơn 200 sản phẩm được đánh giá từ 3 sao trở lên. Đặc biệt sản phẩm nghệ trước đây chỉ tiêu thụ trong nội tỉnh thì cũng giờ đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Tinh bột nghệ Bắc Kạn là sản phẩm OCOP được chứng nhận 4 sao và được đánh giá là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu có chỗ đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.
"Nhưng nếu không quản lý chất lượng tốt thì cũng sẽ không phát triển được mà có khi còn mất đi thương hiệu, mất đi hàng hoá đặc trưng của địa phương. Vì vậy, làm sao quản lý được chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất, thì rất cần có sự giám sát của tất cả các bên để sản phẩm của bà con nông dân Bắc Kạn đứng vững trên thị trường trong nước cũng như quốc tế" - ông Đường nhấn mạnh.
Chia sẻ với báo NTNN/Dân Việt, ông Cường cho biết thêm: Sản phẩm tinh bột nghệ là sản phẩm bổ trợ sức khoẻ cho con người, nên Công ty CP nông sản Bắc Kạn luôn đặt vấn đề chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm là yếu tố cốt lõi, sống còn của danh nghiệp trong quá trình phát triển kinh doanh của mình. Việc đưa hệ thống PGS vào vận hành có ý nghĩ rất quan trọng, giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp được minh bạch, rõ ràng hơn.
Khi hệ thống PGS được đưa vào vận hành, khách hàng có thể kiểm tra được tất cả các quy trình sản xuất, vùng nguyên liệu, cũng như các thông tin cần thiết.
PGS không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp cho bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng thu nhập từ 50 – 100%; đồng thời làm thay đổi nhận thức cũng như năng lực, hành vi của các bên liên quan về vấn đề an toàn thực phẩm.
Sản phẩm tinh bột nghệ Bắc Kạn hiện đã được tiêu thụ tại 63/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Ngoài ra, sản phẩm còn có mặt tại 6 nước và vùng lãnh thổ, gồm Ấn Độ, Ucraina, Đài Loan, Pháp, đặc biệt là 2 thị trường khó tính là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Công ty CP Nông sản Bắc Kạn là đơn vị sản xuất tinh bột nghệ duy nhất ở Việt Nam được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp giấy chứng nhận sản phẩm Oganic.
Theo Dân Việt