Bắc Ninh đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản áp dụng VietGAP

24/06/2021 - 14:06

Bắc Ninh là một trong những địa phương có phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 173 cơ sở, hộ nuôi thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Ðể có được kết quả trên, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Hiệu quả từ nuôi thủy sản theo mô hình VietGAP

Năm 2019, gia đình ông Trần Văn Cương (thôn Tháp Dương, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài) được Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Cương, gia đình ông có 1,5 mẫu mặt nước. Trước đây, nuôi thả cá theo phương pháp truyền thống bình quân mỗi năm ông thu hoạch được khoảng sáu tấn cá. Khi chuyển qua nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cá tăng mạnh. Ngay trong năm 2019, gia đình ông thu hoạch được gần chín tấn cá, tăng gần ba tấn so với phương pháp nuôi truyền thống. Ông Cương cho biết, áp dụng phương pháp nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, mật độ thả giống sẽ cao hơn so với nuôi bình thường từ 20 đến 30%, chi phí thuốc men, phòng trừ dịch bệnh giảm đáng kể. Năng suất cá tăng, chất lượng cá bảo đảm, lại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho nên đầu ra ổn định, được giá bán, thu nhập của gia đình ông cũng được cải thiện hơn.

Ở Bắc Ninh hiện có rất nhiều mô hình nuôi cá VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Phú Thọ (xã Quảng Phú, huyện Lương Tài) Ngô Xuân Trường cho biết, hợp tác xã hiện có 32 hộ áp dụng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ðể đánh giá mức độ phát triển của cá, định kỳ hai tuần một lần bà con bắt cá lên để cân đo, ghi chép các thông số. Từ đó, xây dựng khối lượng thức ăn cho phù hợp với từng giai đoạn, giảm tỷ lệ thất thoát, tránh việc thức ăn dư thừa làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Ngoài ra, hằng ngày người nuôi còn kiểm tra khả năng ăn mồi của cá nuôi; kiểm tra các yếu tố môi trường nước, pH, nhiệt độ, các loại địch hại. Khoảng 10 ngày ao nuôi lại được khử trùng bằng vôi bột, chế phẩm vi sinh nhằm duy trì màu nước, ổn định pH. Nuôi bán thâm canh theo phương pháp truyền thống cá hay bị dịch bệnh thì nuôi theo mô hình VietGAP cá sẽ ít bệnh, tăng trọng nhanh và cho hiệu quả cao hơn. Hiện nay, sau một năm chăm sóc, cá trắm cỏ có thể đạt trọng lượng 2,8 đến 3 kg/con, cá chép lai 1,8 đến 2 kg/con, năng suất cá nuôi khoảng 11 đến 12 tấn/ha, doanh thu mỗi năm bình quân đạt từ 500 đến 600 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 130 đến 150 triệu đồng/ha.

Nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Ðặng Trần Trung cho biết, năm 2017 tỉnh Bắc Ninh bắt đầu xây dựng và triển khai mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP. Ðến nay, toàn tỉnh có 173 cơ sở, hộ nuôi thủy sản áp dụng mô hình này, trong đó nuôi ao đất 168 có cơ sở, hộ nuôi với diện tích 75,06 ha, năng suất bình quân đạt 8 đến 11 tấn/ha/năm; năm cơ sở, hộ nuôi lồng trên sông với hơn 40 lồng nuôi, năng suất trung bình 4,5 đến 6 tấn/lồng. Việc nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, qua đó tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm và nâng cao được giá trị sản xuất. Ðồng thời, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan song hiện nay đa số cơ sở nuôi trồng thủy sản VietGAP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn ở quy mô nhỏ lẻ. Hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng nuôi chưa đồng bộ, nguồn vốn của các chủ hộ áp dụng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP còn thiếu cho nên có một số mô hình chưa bảo đảm 100% tiêu chí đánh giá. So với nuôi cá truyền thống, nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP phải quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào như: nguồn nước, thức ăn, con giống... và mọi quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc, hóa chất đều phải ghi chép vào nhật ký ao nuôi, trong khi các chủ hộ đã quen với tập quán sản xuất cũ, chỉ dựa vào kinh nghiệm cho nên quá trình nuôi còn gặp một số hạn chế. Bên cạnh đó, nuôi theo hướng VietGAP có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, công lao động nhiều hơn nhưng không phải hộ nuôi nào cũng tìm được đầu ra ổn định. Khi thu hoạch, việc thu mua vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, giá bán chưa có nhiều khác biệt so với nuôi thông thường cho nên nhiều chủ hộ không mặn mà với mô hình VietGAP.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðặng Trần Trung cho biết, tỉnh Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động và 26 cụm công nghiệp với khoảng 450 nghìn công nhân. Ðây là thị trường lớn tiêu thụ trực tiếp sản phẩm thủy sản. Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung tổ chức sản xuất thuỷ sản gắn với nhu cầu thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng, trong đó đặc biệt quan tâm đến tổ chức sản xuất theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm tại các vùng nuôi cá thâm canh, vùng nuôi cá lồng trên sông nhằm giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ nông dân tham gia sản xuất thủy sản. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học và xử lý môi trường trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật về chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất thủy sản an toàn. Ðể giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho các hộ nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn người dân các thủ tục vay vốn tín chấp bằng giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Nghị định 55 của Chính phủ.

Theo THƯ SƠN (Báo Nhân Dân)