Bài học từ dịch sốt xuất huyết

14/07/2022 - 06:49

 - Dịch COVID-19 tạm lắng xuống không bao lâu, lại xuất hiện ồ ạt dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, tăng áp lực đối với ngành y tế. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng giúp chúng ta “ôn lại” những bài học quý về công tác phòng ngừa và trách nhiệm của cá nhân lẫn cộng đồng.

Nhiều nguyên nhân chi phối

Tại An Giang, tính đến ngày 3/7/2022, toàn tỉnh có 7.055 ca mắc SXH, tăng 459% so cùng kỳ năm 2021, tăng 517% so số mắc trung bình 5 năm (2016-2020). 10/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc tăng, trong đó 6/11 địa phương tăng trên 9 lần so cùng kỳ, như: Huyện Châu Phú (1.166 ca, tăng 13,4 lần), Phú Tân (774 ca, tăng 9,8 lần), TX. Tân Châu (649 ca, tăng 14,7 lần), An Phú (672 ca, tăng 15,2 lần), Tịnh Biên (639 ca, tăng 12 lần), Thoại Sơn (633 ca, tăng 11,3 lần).

Thời gian qua, ngành y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống SXH, chiến dịch diệt lăng quăng ra quân đồng loạt trong toàn tỉnh vào ngày 1/7. Tuy nhiên, tình hình dịch SXH vẫn còn ở mức cao so cùng kỳ năm 2021. “Nguyên nhân chủ quan là do nhân lực tham gia phòng, chống dịch (y tế, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể...) cho đây là bệnh lưu hành hàng năm, nên chưa khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, xử lý ổ dịch xảy ra tại địa phương; chưa quan tâm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình.

Về phía người dân, sau dịch COVID-19, tất cả lo làm ăn, kiếm sống, chưa quan tâm đến vấn đề diệt muỗi, diệt lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh quanh nhà. Vì vậy, vô tình tạo môi trường cho muỗi phát triển, đẻ trứng, cho lăng quăng phát triển” - Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương chia sẻ.

Mít-tinh phòng, chống sốt xuất huyết tại TP. Long Xuyên

Cũng theo ông Phan Vân Điền Phương, có nhiều nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tiến độ dịch bệnh lây lan. Do năm nay đang đến chu kỳ dịch (3 năm/lần). Không chỉ An Giang, mà gần như các tỉnh miền Trung, miền Nam, các nước khu vực Đông Nam Á đang bùng phát dịch. Mặt khác, sự trỗi dậy của tuýp virus DEN-1 và DEN-2 làm cho số ca mắc gia tăng nhanh, ca bệnh nặng cũng tăng. Thời tiết khí hậu nóng ẩm kéo dài cũng tạo điều kiện cho muỗi vằn phát triển mạnh…

Hiện nay, dịch bệnh SXH và COVID-19 khi khởi phát thường có biểu hiện tương đối giống nhau, dễ gây nhầm lẫn (sốt, đau đầu, mỏi người, ớn lạnh), chỉ khác nhau ở các triệu chứng đi kèm và diễn biến của sốt. Chính vì thế, người bệnh không nghĩ ngay đến nguy cơ mắc bệnh SXH để điều trị kịp thời. Đó là chưa kể, trong hơn 2 năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại về bệnh dịch SXH, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân. Người bệnh chưa được khám, điều trị đúng bệnh, mà chỉ cho thuốc uống giảm sốt, bỏ lỡ “thời gian vàng”.

Cộng đồng trách nhiệm

Theo ngành y tế, giải pháp quan trọng hiện nay là tiếp tục giám sát, phát hiện ca bệnh hàng ngày. Ngoài việc xử lý ổ dịch quy mô nhỏ (bán kính 200m, tâm là ca bệnh); diệt lăng quăng, phun hóa chất, cần chủ động phun dập dịch diện rộng tại các khu vực, khóm/ấp có nguy cơ bùng phát dịch (xử lý khi phát hiện số ca mắc tăng, chỉ số muỗi và chỉ số lăng quăng vượt quy định cho phép).

Một giải pháp đặc biệt hiệu quả là tăng cường truyền thông phòng dịch SXH bằng nhiều hình thức, như: Thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh trên phương tiện thông tin đại chúng, đến tận xã, phường, bằng loa phát thanh di động (xe kéo), hoặc trực tiếp vãng gia tại hộ gia đình. Qua đó, hướng dẫn người dân phát hiện bệnh sớm, cách phòng bệnh, phát hiện và có biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình. Mỗi địa phương sẽ có cách làm khác nhau, phù hợp tình hình thực tế.

Điển hình, TP. Long Xuyên hiện đang ghi nhận hơn 590 ca SXH (tăng 405% so cùng kỳ), với 143 ổ dịch (tăng 600%). “UBND thành phố yêu cầu ban, ngành có liên quan và UBND phường, xã nghiêm túc triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng triệt để bằng mọi biện pháp, duy trì hoạt động này thành nhiệm vụ thường xuyên của địa phương, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Phòng Giáo dục và Đào tạo huy động học sinh THCS, THPT tham gia diệt muỗi, lăng quăng tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế, coi đây là hoạt động ngoại khóa của các em” - Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Võ Thị Xuân Kiều cho biết.

Đợt dịch SXH bùng phát lần này là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho việc nhận thức đúng, đầy đủ về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh. Cần tránh chủ quan, coi thường dịch bệnh, nhưng cũng không gây hoang mang, lo lắng thái quá trong nhân dân. Thay vào đó, người dân, địa phương song hành với ngành chuyên môn nâng cao ý thức, chủ động, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giữ sức khỏe cho mình lẫn cộng đồng.

Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng, thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào chén nước kê chân chạn, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh, ngủ mùng đề phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

GIA KHÁNH