Nghị quyết nhắc lại những kết quả của Kỳ họp thứ ba, đánh giá kết quả triển khai các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) thời gian qua, phương hướng thời gian tới, trong đó nêu rõ 15 giải pháp mà Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Ảnh tư liệu: Văn Điệp/TTXVN
* Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13, Quốc hội yêu cầu, đến năm 2025, hoàn thành việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận theo quy mô hai làn xe bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn. Triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến thuộc dự án thành phần Đoan Hùng-Chợ Bến trong năm 2022-2023, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật. Kết thúc dự án Đường Hồ Chí Minh theo quy mô hai làn xe, hoàn thành kiểm toán, quyết toán và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13, báo cáo Quốc hội vào năm 2026.
* Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15-8-2022 đến hết ngày 31-12-2023. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023).
* Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm túc kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội. Triệt để tiết kiệm chi tiêu NSNN. Kiên quyết thu hồi đất đã giao nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp giữa năm hằng năm. Có giải pháp khắc phục các bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên tái chế và năng lượng tái tạo; quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên số, băng tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông, cơ sở dữ liệu... Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức thực thi công vụ. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
* Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ về chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát NSNN cho 5 dự án, gồm: 1 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư và 4 dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư theo Tờ trình số 13/TTr-CP và Báo cáo số 14/BC-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ.
* Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương (đến đơn vị hành chính cấp xã) phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Theo CHIẾN THẮNG (Quân đội nhân dân)