Báo chí đồng hành cùng phát triển

21/06/2022 - 06:46

 - “Thời gian qua, đội ngũ người làm báo phản ánh sinh động tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại, các sự kiện lớn của tỉnh; tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những giá trị tốt đẹp, điển hình tiên tiến, đấu tranh với tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đưa hình ảnh con người, quê hương An Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhận định.

“Trên từng cây số”

Sự biểu dương của Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đã khái quát nỗ lực không ngừng nghỉ của báo chí An Giang từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh cho đến khi được kiểm soát.

Chúng tôi như “con thoi” giữa dòng chảy thời sự, chưa từng dừng nghỉ. Từng tập thể, cá nhân trong đội ngũ làm báo miệt mài phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Chính vì sự đồng hành “trên từng cây số” ấy, theo thông lệ, cứ đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), nhiều địa phương, đơn vị, ban, ngành trong tỉnh tổ chức những buổi họp mặt người làm báo thân thiết.


Như buổi họp mặt ở huyện miền núi Tri Tôn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm chia sẻ, trong hàng loạt dấu ấn phát triển của địa phương, có sự đồng hành, chia sẻ, đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí và phóng viên, nhà báo. “Cùng với sự đầu tư của Trung ương, tỉnh, trong vài năm tới, huyện Tri Tôn phấn đấu “thoát nghèo”, mang đến nhiều sản phẩm du lịch thật tốt. Để làm được điều đó, chúng tôi mong muốn kết nối, hợp tác, đồng hành giữa huyện và báo chí ngày càng chặt chẽ, gắn bó hơn nữa” - ông Cao Quang Liêm kỳ vọng.

“Lãnh đạo tỉnh biểu dương, đánh giá cao những đóng góp to lớn của các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo trong và ngoài tỉnh. Với truyền thống tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam, tôi tin tưởng thời gian tới, đội ngũ làm báo tỉnh An Giang tiếp tục nêu cao tinh thần đạo đức cách mạng, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển, góp phần xây dựng An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp, văn minh” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhắn nhủ.

Ước mong “báo chí số”

Những điều đã làm được là “đòn bẩy” để đội ngũ làm báo vươn đến mục tiêu cao hơn, xa hơn, chứ không thể bằng lòng với những gì đang có, đã có. Chúng ta đang ở kỷ nguyên số, mọi thứ đều gắn liền với chuyển đổi số để nâng vị thế, sức mạnh, mang đến phồn vinh cho đất nước trong giai đoạn mới. Đồng hành với khát vọng phát triển đất nước ấy, báo chí cũng phải hòa nhập vào công cuộc chuyển đổi số.

Khi nhắc đến “báo chí số”, là nhắc đến việc cơ quan, công sở, tòa soạn báo chí làm việc qua mạng, từ xa, trên những nền tảng cho phép hội họp; dùng máy chấm công, nhận diện bằng gương mặt hay giọng nói. Điều này được áp dụng rộng rãi, tích cực hơn khi “cú sốc” COVID-19 ập đến.

Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang đã chuyển đổi mô hình làm việc thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Đội ngũ phóng viên, nhà báo tác nghiệp trực tuyến, phỏng vấn bạn đọc qua nhiều ứng dụng mạng xã hội. Bớt những chuyến đi tiếp xúc với cơ sở, với nhân vật, nhưng người làm báo lại tăng hàm lượng khai thác thông tin trên nền tảng công nghệ, đảm bảo lưu lượng thông tin vẫn thông suốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

 Không chỉ thế, xu hướng kế tiếp của chuyển đổi số trong ngành là lấy thông tin làm trung tâm; xử lý thông tin (dữ liệu lớn) thu được từ môi trường diễn ra các hoạt động để làm cơ sở đưa ra quyết định. Các chuyên gia nhận định, khi được khai thác đúng đắn, hợp lý, phù hợp với luật pháp và quy ước đạo đức, dữ liệu lớn (big data) là một loại tài sản mới của các cơ quan báo chí - truyền thông, bên cạnh những tài sản truyền thống, hữu hình (trụ sở, trang thiết bị, vốn tài chính, vốn nhân lực).

Dĩ nhiên, để không bị tụt lại phía sau khi chuyển đổi từ phương thức tác nghiệp cũ sang phương thức tác nghiệp mới, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, từng cá nhân và tập thể cơ quan báo chí phải tập “thay đổi thói quen”. Theo Tổng Biên tập Báo An Giang Trần Thị Bích Vân, đơn vị đang hướng đến đào tạo hàng loạt nhà báo công nghệ, tác nghiệp trên môi trường mạng với nhiều kỹ năng cùng một lúc.

“Tất cả phóng viên - dù lớn tuổi hay trẻ tuổi, dù ở bộ phận nào - đều phải được tập huấn, thực hành và sẵn sàng “1 người làm nhiều việc”, đáp ứng tốt yêu cầu của báo chí đa phương tiện. Phóng viên báo in không chỉ chụp ảnh, phỏng vấn, mà cần biết quay phim, dựng phóng sự truyền hình, tham gia vào nhiều khâu xuất bản báo chí hiện đại. Phóng viên báo điện tử vẫn đủ năng lực viết tin, bài chuyên sâu, phân tích, bình luận như phóng viên báo in” - bà Trần Thị Bích Vân chia sẻ.

Ông Lê Quốc Minh (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng, khi có sự thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán-thính giả, báo chí không còn con đường nào khác là số hóa, chuyển đổi số. Chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị “đào thải”. Chặng đường ấy còn rất dài, lắm gian truân, nhưng chắc chắn rằng, chúng ta sẽ làm được.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mục tiêu chung của chiến lược là: Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng.


GIA KHÁNH