Bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong quy định về dạy, học thêm

25/09/2024 - 14:00

Học thêm và dạy thêm là nhu cầu có thực và đang được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau ở trong và ngoài nhà trường. Vì vậy, dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, xin ý kiến góp ý từ 22/8 đến 22/10/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được sự quan tâm của giáo viên và phụ huynh Nghệ An.

Việc dạy thêm, học thêm được quản lý chặt chẽ sẽ nêu cao trách nhiệm của giáo viên và đảm bảo quyền lợi cho học sinh. 

Những điểm mới

So với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy, học thêm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào năm 2012, dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm có một số điểm mới. Cụ thể, dự thảo không còn để hẳn 1 điều quy định các trường hợp không được dạy thêm.

Với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, vai trò của tổ chuyên môn được đề cao. Tổ chuyên môn phải họp để thống nhất, đề xuất với người đứng đầu nhà trường việc dạy - học thêm với các môn học do tổ đảm nhận. Điều này tạo sự thống nhất khi tổ chức dạy thêm, học thêm; đồng thời bảo đảm thiết thực, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.

Với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, dự thảo quy định rất chặt chẽ, bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy - học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai các môn học, thời lượng dạy thêm của từng môn; địa điểm, thời gian tổ chức; danh sách giáo viên dạy thêm, mức thu tiền học thêm.

Giáo viên trường công lập dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định…

“Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi các quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, là hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để giáo viên tháo gỡ vướng mắc trong dạy thêm, tạo cơ hội để thầy cô được dạy thêm chính đáng dưới sự quản lý chặt chẽ của các cấp”, cô giáo Nguyễn Thùy Lê - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trung Đô, thành phố Vinh nhìn nhận.

Dạy, học thêm xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người học; giúp các em củng cố, mở rộng, nâng cao kiến thức; là cơ hội cho giáo viên có thể lao động, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn những hạn chế, tạo áp lực đối với một bộ phận học sinh và trở thành gánh nặng với không ít gia đình có con em độ tuổi đến trường.

Qua nắm bắt tại thành phố Vinh, mức giá trung bình cho mỗi buổi học thêm hiện nay dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/buổi ở hầu hết các bậc học. Tuy nhiên, nếu học sinh học chuyên, học thêm Tiếng Anh hoặc ôn thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ, có lớp học giá mỗi buổi học thêm cho 1 học sinh là từ 150.000 - 200.000 đồng/buổi, mỗi lớp có thể lên đến 30 - 40 em.

Ngoài học thêm ở ngoài, việc dạy thêm, học thêm tại các trường cũng được hầu hết các trường học triển khai. Theo đó, với học sinh trung học cơ sở, học sinh thường học 3 môn là Văn, Toán, Tiếng Anh. Ở bậc trung học phổ thông, ngoài 2 môn chính là Toán, Văn, các học sinh có thể đăng ký các môn học theo các môn các em dự kiến thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học.

Cần quản lý, giám sát chặt chẽ

Việc dạy thêm, học thêm được quản lý chặt chẽ sẽ nêu cao trách nhiệm của giáo viên và đảm bảo quyền lợi cho học sinh. 

Thực tế, nếu dạy thêm xuất phát từ sự tự nguyện, giúp người học phát triển phẩm chất, năng lực, nâng cao kiến thức, tránh được các tệ nạn xã hội học đường… nên được nhìn nhận dưới góc độ công bằng hơn. Ngược lại, nếu dạy thêm là ép buộc dưới mọi hình thức thì cần có những quy định rõ ràng để tạo dựng lòng tin của phụ huynh và tôn vinh được nghề dạy học, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát.

Chia sẻ một số giải pháp với hoạt động dạy, học thêm, Nhà giáo ưu tú Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Diễn Châu 3, huyện Diễn Châu (Nghệ An) nhấn mạnh, cần đề cao đạo đức nhà giáo; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong quản trị nhà trường, quản lý giáo viên, đặc biệt là quản lý về chuyên môn liên quan đến dạy thêm của giáo viên; ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, cần có sự phối hợp của các cơ quan quản lý giáo dục, chính quyền địa phương và đơn vị chuyên môn trong xây dựng hướng dẫn về dạy học thêm bám sát với thực tiễn; phối hợp với cha mẹ học sinh, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về dạy học thêm để kịp thời chấn chỉnh khi xảy ra vi phạm.

Liên quan đến dự thảo này, nhiều giáo viên khẳng định các quy định mới phù hợp với điều kiện hiện nay. Bản thân các giáo viên cũng có cơ hội được cống hiến, được phát huy tài năng, trí tuệ và có thêm thu nhập một cách chính đáng.

“Tôi cho rằng, việc học thêm phải trên nhu cầu, nghĩa là có những em học giỏi muốn được học thêm nâng cao, học sinh học yếu thì muốn phụ đạo để tiến bộ và việc học thêm cần phải đạt được mục đích đề ra. Như vậy, phụ huynh, học sinh sẽ có kết quả học tập tốt, giáo viên cũng được hưởng thành quả cả vật chất và tinh thần từ những nỗ lực cố gắng của mình”, thầy giáo Lê Văn Thành - Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Đặng Thai Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An bày tỏ.

Tại Trường Trung học Phổ thông Đặng Thai Mai, việc dạy thêm, học thêm được nhà trường thực hiện theo 3 nguyên tắc. Đó là sự tự nguyện của phụ huynh học sinh, chỉ dạy những bộ môn cần thiết phục vụ thi tốt nghiệp và chỉ dạy những kiến thức mà học chính không đủ thời gian. Qua thực tế triển khai, hiện mức thu của nhà trường là 20.000 đồng/buổi và khoảng 80% chi trả trực tiếp cho giáo viên đứng lớp. Đây là mức thu nằm trong quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo…

Nhiều giáo viên cũng cho rằng, việc dạy thêm cũng là "thước đo" đánh giá năng lực giáo viên: Việc học sinh được "lựa chọn" giáo viên khi đăng ký cũng đòi hỏi giáo viên phải tự nỗ lực, cố gắng, trau dồi chuyên môn để khẳng định năng lực.

Trên góc độ quản lý, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đồng ý với dự thảo mới này, bởi thực tế hiện nay vẫn có tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Một số giáo viên trường công lơ là việc dạy trên lớp và tập trung kiến thức ở lớp dạy thêm, ra bài kiểm tra định kỳ sát với chương trình dạy thêm… Do đó, nếu việc dạy thêm được quản lý chặt chẽ sẽ nêu cao trách nhiệm của giáo viên và đảm bảo quyền lợi cho học trò. Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng đồng tình với việc phải nhìn nhận đúng dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên và học sinh. Vì thế, ngoài tăng cường quản lý dạy thêm trong nhà trường, giáo viên ở các trường công lập, cần có thêm cơ chế, giám sát dạy thêm ở các đơn vị hoạt động độc lập.

“Hiện nay, chưa có một quy định nào về việc quản lý các cơ sở dạy thêm nên việc kiểm tra, giám sát và xử phạt nếu có sẽ rất khó khăn. Cần quy định việc dạy thêm ngoài nhà trường là loại hình kinh doanh có điều kiện, để qua đó, các cơ quan, ban, ngành liên quan có thể phối hợp để cùng quản lý và thực hiện các nhiệm vụ liên quan”, ông Nguyễn Mạnh Hà kiến nghị.

Theo TTXVN