Bảo quản, chế biến nông sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm

18/07/2023 - 07:07

 - Bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng của quy trình sản xuất, nhằm giảm tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị và tăng tính cạnh tranh cho nông sản khi ra thị trường. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng giá trị nông sản và thu nhập nông dân…

Giới thiệu thiết bị sấy tại phiên kết nối cung cầu công nghệ

Nông sản thất thoát

Những năm gần đây, sản lượng nông sản, lương thực, thực phẩm trên toàn quốc nói chung, tỉnh An Giang nói riêng được sản xuất rất dồi dào, phong phú về chủng loại. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy, tổn thất sau thu hoạch nông sản ở nước ta hiện chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể như đối với rau màu, tỷ lệ thất thoát từ 25 - 30%.

Trong khi ở các quốc gia trên thế giới, như: Indonesia, tỷ lệ tổn thất 6 - 17%, Nepal là 4 - 22%, Ấn Độ từ 3 - 3,5%… Xảy ra tình trạng này là do các nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân chưa quan tâm ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, thiếu hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỷ lệ chế biến thấp… dẫn đến thất thoát.

Hoạt động từ năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp Ô Lâm (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) hiện có 14 thành viên, canh tác xoài trên diện tích 50ha. Giống cây được canh tác chủ yếu là: Xoài keo, xoài thanh ca, xoài Úc, xoài tượng da xanh… sản lượng bình quân 500 tấn/năm. Với sản lượng lớn như vậy, vấn đề thất thoát trong quá trình bảo quản, vận chuyển là khó tránh khỏi.

Ông Bùi Xuân Điện (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Ô Lâm) cho biết, sau mỗi đợt thu hoạch, sản lượng xoài thất thoát do dập, úng, côn trùng gây hại... chiếm khoảng 5 - 7%. Trong khi đó, vào những thời điểm xoài rớt giá, xoài bị dội chợ, tỷ lệ thất thoát lên 70 - 80%. Do không có công nghệ bảo quản hoặc chế biến, nên khi xoài rớt giá, nông dân bỏ mặc, không thu hoạch, bởi chi phí thu hoạch cao hơn giá thành bán ra…

Không bị thất thoát nông sản, nhưng anh Trần Tấn Tài (xã Phú Hưng, huyện Phú Tân) luôn trăn trở, tìm kiếm giải pháp nâng cao giá trị nấm rơm. Anh Tài cho biết, nhận thấy ngay tại quê nhà có nhiều người sử dụng thực phẩm chay và nấm rơm là một trong những nguyên liệu chính để chế biến nhiều món ăn. Sau khi tham khảo và bàn bạc với gia đình, anh Tài quyết định lập nghiệp với nghề trồng nấm rơm. Từ việc trồng nấm rơm trong nhà kín lúc đầu, anh Tài phát triển thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín từ nguồn nguyên liệu là rơm đến sản phẩm nấm rơm.

Do nấm rơm hạn chế về thời gian sử dụng, tối đa chỉ trữ qua 1 ngày, nên anh Tài đã tìm hiểu để có nhiều cách phân phối và tiêu thụ tốt hơn. “Các loại nấm tươi (đông cô, bào ngư, nấm rơm) hiện nay đều có sản phẩm sấy. Đây là giải pháp hữu hiệu để bảo quản sản phẩm lâu hơn, tiếp cận rộng rãi với nhiều khách hàng. Ngoài ra, nấm sấy khô bán được giá cao hơn so với nấm tươi. Tôi đang ấp ủ ý định để sản xuất nấm rơm sấy nhằm nâng giá trị sản phẩm nấm rơm. Việc tìm kiếm các công nghệ và kỹ thuật sấy nấm đạt chất lượng vẫn đang trong quá trình đánh giá, lựa chọn” - anh Tài chia sẻ.

 

Nhiều giải pháp bảo quản, chế biến

Từ thực tế trên có thể thấy, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc chế biến đang là bài toán khó đối với nông dân trong tỉnh. Đây được xem là mục tiêu quan trọng mà ngành nông nghiệp An Giang đang hướng tới.

Để giải quyết hiệu quả bài toán trên, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các phiên kết nối cung cầu công nghệ nhằm tạo cầu nối giữa nhà cung cấp thiết bị với đơn vị, cá nhân có nhu cầu gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin. Mới đây, trung tâm phối hợp Công ty Cổ phần Kỹ nghệ xanh Việt Nam tổ chức phiên kết nối cung cầu công nghệ “Giải pháp toàn diện chế biến và bảo quản nông sản”, với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã…

Tại sự kiện này, Công ty Cổ phần Kỹ nghệ xanh Việt Nam đã trình bày về công nghệ sấy và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Đồng thời, giới thiệu các dòng máy sấy nổi trội, như máy sấy lạnh và máy sấy thăng hoa được sử dụng rộng rãi để sấy thực phẩm, trái cây, hoa quả, thủy sản và nhiều loại nông sản khác. Ngoài ra, công ty cung cấp các loại máy sấy, máy chế biến thực phẩm, máy cấp đông nhanh, kho lạnh bảo quản, tư vấn và thiết kế máy móc phục vụ nông nghiệp… Các sản phẩm của công ty nhận được sự quan tâm của đại diện các công ty, hợp tác xã… tham gia phiên kết nối.

Với việc ứng dụng các công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch giúp nông dân kéo dài thời gian bảo quản, giảm thất thoát, đảm bảo chất lượng và an toàn cho các loại nông sản tươi; tạo đầu ra nông sản ổn định, góp phần hình thành và khép kín chuỗi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, giúp các tổ chức, cá nhân có thể sản xuất ra các sản phẩm đa dạng, nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.  

“Những năm gần đây, sản lượng nông sản, hải sản, lương thực, thực phẩm trên toàn quốc đến mùa thu hoạch với sản lượng rất lớn. Tuy nhiên, do chưa ứng dụng khoa học - kỹ thuật sau thu hoạch để xử lý, bảo quản nên tỷ lệ thất thoát khá cao. Từ thực tế đó, phiên kết nối cung cầu công nghệ ra đời nhằm giới thiệu một số máy móc, thiết bị và giải pháp chế biến nông sản, công nghệ mới để kéo dài thời gian bảo quản, giảm thất thoát, đảm bảo chất lượng và an toàn cho các loại nông sản tươi. Đồng thời, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường nội địa, xuất khẩu và tăng lợi nhuận” - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Lê Hữu Thanh chia sẻ.

ĐỨC TOÀN