Bão số 6 mạnh, phức tạp, cần chủ động phương án ứng phó

08/11/2019 - 14:13

Bão số 6 là cơn bão mạnh và có tính chất phức tạp, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản nhà nước và người dân.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ  Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tại cuộc họp trực tuyến với 7 tỉnh ven từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhằm ứng phó với bão số 6, diễn ra sáng 8-11, tại Hà Nội.

Chú thích ảnh

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cử ngay hai đoàn công tác xuống địa phương để chỉ đạo, phối hợp phòng chống bão số 6 theo phương châm "4 tại chỗ".

Biểu dương các bộ, ngành trong việc phối hợp, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 5, chủ động các phương án ứng phó với bão số 6, đặc biệt Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo bão, mưa lũ, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo việc ứng phó với bão để đảm bảo an toàn trên cả 3 tuyến (tuyến biển, tuyến đồng bằng và đô thị, khu vực miền núi).

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương sơ tán dân trên các lồng bè, khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Căn cứ vào tình hình thực tế mà các địa phương thông báo lệnh cấm biển và tổ chức cho học sinh nghỉ học.

Nhấn mạnh vấn đề an toàn cho sản xuất và hạ du, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát tình hình hồ đập, công trình đê trọng yếu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan: Công An, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm chỉ đạo việc hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho các địa phương phục vụ công tác ứng phó với thiên tai. Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ 2 tàu cho tỉnh Bình Định phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Chú thích ảnh

Diễn biến của bão số 6. Dự kiến tối ngày 10-11, bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, kịp thời ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, các cơ quan báo chí thông tin tuyên truyền, ứng phó bão số 6 để người dân, cộng đồng chủ động phòng tránh.   

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết: Chiều 8/11, UBND tỉnh tổ chức họp để ứng phó với bão số 6, đồng thời, đã ban hành Công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan, phối hợp kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và cho học sinh nghỉ học vào ngày 11-11.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng kiến nghị Trung ương "điều" ngay 1 tàu vào Bình Định hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 5 điều động lực lượng phối hợp với tỉnh trong công tác ứng phó với bão. UBND tỉnh đã họp bàn phương án ứng phó, đồng thời tổ chức di dời 1.030 người dân ở các xã ven biển ra khỏi khu vực nguy hiểm, chỉ đạo thành lập các tổ, đội xung kích ứng phó với bão và cho học sinh nghỉ học vào ngày 11-11.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cũng cho biết: UBND tỉnh đã họp để chủ động các phương án ứng phó với bão, đồng thời thường xuyên bám sát sự chỉ đạo và thông tin với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, trên biển bão số 6 có gió mạnh cấp 12, giật cấp 15, vào gần bờ giảm 2-3 cấp. Khoảng ngày 10-11/11, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hoà. Ngoài ra, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh gây mưa to đến rất to ở những khu vực trọng điểm từ Đà Nẵng đến Khánh Hoà và Tây Nguyên từ 200-400 mm.       

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 6 giờ ngày 8/11, Ủy ban đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 tàu/243.063 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh. Trong đó có 112 tàu/2.818 lao động đang hoạt động, neo đậu tại khu vực nguy hiểm; 108 tàu neo đậu tại các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa; 3 tàu Bình Định đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm; 1 tàu Bình Định (BĐ 97801) đang neo dù tại vị trí 11,450  Vĩ Bắc - 113,060 Kinh Đông...

Theo THẮNG TRUNG (Báo Tin Tức)