Liên quan đến bão số 8 (Toraji), ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng dự báo thuỷ văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia) cho hay, tối 18/11, sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 8 đã tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.
Áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ngoài khơi xa tại Philippines
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, từ ngày 18-11, các tỉnh Nam Bộ đã xuất hiện đợt mưa lớn. Từ Khánh Hoà đến Bình Thuận khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ, mực nước trên các sông khu vực này lên đến mức báo động 1 đến báo động 2.
Tuy nhiên, do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn (lượng mưa dự báo khoảng 100-150 mm) nên tình trạng xảy ra lũ cục bộ, lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra trên các sông suối thuộc khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp và đô thị các tỉnh trên.
“Người dân cần theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia và các đài khu vực trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh”, ông Dũng thông tin.
Ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho biết thêm, theo nhận định mới nhất, hiện nay, có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ngoài khơi xa tại Philippines.
Dự báo khoảng đêm 21 đến rạng sáng 22-11, áp thấp nhiệt đới sẽ vượt qua đảo Palawan (Philippines) và đi vào phía Nam Biển Đông.
“Áp thấp nhiệt đới có thể đạt cường độ cấp bão và không loại trừ sẽ xuất hiện cơn bão số 9 trên biển Đông (khả năng xuất hiện bão số 9 là cao), cường độ gió có thể đạt khoảng cấp 9-10”, ông Năng chia sẻ.
Ông Năng cũng cảnh báo, đặc biệt, thời điểm bão số 9 xuất hiện sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường ngày 21/11. Vậy nên, diễn biến về cường độ cũng như quỹ đạo di chuyển của cơn bão số 9 sẽ diễn biến phức tạp.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phát các bản tin dự báo, cảnh báo sớm để chính quyền và người dân có biện pháp phòng tránh”, ông Năng nói.
Theo TRIỆU QUANG (Dân Việt)