Theo Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, di sản thiên nhiên, gồm: Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Di sản thiên nhiên phải có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên; có giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn; có đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo hoặc chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất; có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: THANH HÙNG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 di sản thiên nhiên theo quy định tại Khoản 1, Điều 20. Trong đó, 2 di sản thiên nhiên là khu bảo tồn được thành lập theo quy định pháp luật về lâm nghiệp, gồm: Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến.
Ba di sản thiên nhiên là danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa, gồm: Khu du lịch quốc gia Núi Sam, di tích lịch sử cách mạng và thắng cảnh Núi Nổi - Phù Sơn Tự; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp. Các di sản thiên nhiên đã phục vụ hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập.
Việc sửa chữa, nâng cấp, trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng, từng bước đi vào nền nếp và được nâng cao về chất lượng. Đồng thời, tỉnh ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả giá trị của các di tích.
Hiện có 5/5 khu đã thành lập ban quản lý di sản thiên nhiên. Trong đó, khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư và rừng tràm Tân Tuyến do Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý. Khu du lịch quốc gia Núi Sam do Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam (trực thuộc UBND tỉnh An Giang) quản lý. Di tích lịch sử cách mạng và thắng cảnh Núi Nổi - Phù Sơn Tự do Ban Quản lý di tích lịch sử (trực thuộc UBND xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) quản lý. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp do Ban hội miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp (trực thuộc UBND huyện Tịnh Biên) quản lý.
Theo ông Trần Anh Thư, thời gian qua, tỉnh đã tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hóa dân gian trong tỉnh; nghề thủ công truyền thống; lễ hội tiêu biểu… Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Tổ chức trưng bày, trình diễn, giới thiệu, truyền dạy các loại hình di sản đặc sắc, có nguy cơ mai một; hình thành và định hình một số nội dung biểu diễn, vui chơi giải trí phù hợp với nhu cầu xã hội và mang tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ cao.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; phát triển kinh tế phải gắn kết với phát triển văn hóa; phát triển kinh tế có văn hóa, trong kinh tế có văn hóa, trong văn hóa có kinh tế; góp phần rất quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, khai thác tối đa tiềm năng phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đầu tư đồng bộ, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trở thành di sản thiên nhiên có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch. Tạo môi trường văn hóa lành mạnh tại các di tích; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, làm biến dạng môi trường cảnh quan.
Cân đối hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển KTXH; khai thác khía cạnh kinh tế của di sản văn hóa, di sản thiên nhiên để tạo động lực và là thành tố quan trọng trong quá trình phát triển KTXH. Bên cạnh đó, không thể vì mục tiêu kinh tế, mục tiêu lợi nhuận mà không chú ý đến các mục tiêu văn hóa, giữ gìn giá trị văn hóa; không thể “hy sinh” di sản thiên nhiên vì mục tiêu kinh tế. Khuyến khích cộng đồng tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy di sản, nghiên cứu phân quyền cho cộng đồng trong quản lý di tích, danh thắng, tổ chức lễ hội, thực hành di sản văn hóa phi vật thể… Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực đa dạng trong việc bảo tồn di sản gắn với phát triển KTXH…
MINH THƯ